SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghệ xử lý phân heo bằng trùn quế

Công nghệ Vermicomposting (sử dụng trùn quế để xử lý phân heo tươi) cùng các sản phẩm gia tăng sẽ được Công ty Cổ phần Trùn quế Việt Nam giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học 2020 do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tổ chức vào các ngày 5-6/11 sắp tới.

Công nghệ xử lý phân heo tươi trực tiếp bằng trùn quế (Vermicomposting) vừa giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do phân heo tươi gây ra, vừa mang lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao.

Theo ông Lê Minh Vương (tác giả nghiên cứu công nghệ), hiện trạng ô nhiễm môi trường do phân heo tươi ngày càng phức tạp, trong khi đó các giáp pháp xử lý có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật còn rất thấp. Vì vậy, giá trị của Vermicomposting là xử lý phân heo ô nhiễm thành phân bón hữu cơ cao cấp trùn quế và nguồn trùn thịt giàu đạm; tối ưu hóa về mặt kỹ thuật và kinh tế cho người ứng dụng quy trình để xử lý phân heo tươi; cung cấp giải pháp công nghệ bổ sung làm gia tăng giá trị sản phẩm từ trùn quế (công nghệ thủy phân trùn thịt làm dinh dưỡng sinh học dạng lỏng – phân bón lá và tưới gốc sinh học, cũng như chế biến thành sản phẩm dinh dưỡng sinh học cao cấp dành cho chăn nuôi và thủy sản), góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững.

Cụ thể, quy trình công nghệ ứng dụng men sinh học để xử lý phân heo tươi và nuôi trùn quế gồm 6 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: phân heo tươi được vận chuyển về bãi tập kết (có thể sử dụng 100% phân heo tươi hoặc kết hợp chung phân heo ép và phân heo tươi để xử lý làm thức ăn nuôi trùn quế). Khuyến khích sử dụng phân heo tươi vừa lấy tại trại heo. Chuồng trại nuôi trùn quế phải chuẩn bị xong trước khi nhập trùn giống sinh khối và chuồng nuôi trùn phải đảm bảo thông thoáng, mát mẻ và không bị ngập nước.

+ Giai đoạn 2: sau khi đưa phân heo về bãi tập kết, sử dụng chế phẩm sinh học bao gồm nấm Trichoderma sp (rải nấm phủ đều trên bề mặt phân heo) để xử lý hàm lượng hữu cơ khó tan, các hợp chất xenlulozo chuyển hóa thành dạng dễ hấp thụ (về chất và kích thước) đối với trùn quế. Sau đó bổ sung thêm chế phẩm EM gốc đã được hoạt hóa (1 lít EM gốc pha với 100 lít nước sạch, thêm 100 ml rỉ đường mật sục khí lên men để kích hoạt trước khi bổ sung vào hầm tập kết phân heo).

+ Giai đoạn 3: ủ toàn bộ hỗn hợp men và phân heo trong vòng 2-3 ngày, đảo trộn đều để tăng hiệu suất xử lý của hệ vi sinh vật nhằm giảm nồng độ độc tính của các loại khí có mùi phát sinh trong quá trình ủ phân heo.

+ Giai đoạn 4: đây là bước quan trọng nhất của toàn bộ quy trình xử lý phân heo nuôi trùn quế. Men gốc VL01 là men tự mix và phối trộn các chủng vi sinh vật đặc trưng nhằm kích thích trùn quế sinh khối trong giai đoạn đầu mới thả giống, thích nghi mạnh và tốt nhất với loại thức ăn mới là phân heo tươi so với trước đây trùn quế chỉ ăn phân bò tươi. Khâu này là chìa khóa quyết định tối ưu hóa về mặt thơi gian (tức là rút ngắn thời gian xử lý và thích nghi của trùn với loại thức ăn mới là phân heo tươi), đồng thời tối ưu hóa về mặt lý tính độ mặn của phân heo và kiểm soát được pH của toàn bộ hỗn hợp phân heo đã trải qua quá trình tiền xử lý ban đầu.

+ Giai đoạn 5: nhập sinh khối cho vào trại nuôi. Sinh khối phải đảm bảo mật độ trùn tinh ít nhất chiếm 5% và không có mùi hôi thối, không còn lẫn phân bò. Chuồng trại phải thông thoáng, mát mẻ, không bị ngập và gần với bãi tập kết phân heo. Mật độ thả giống để đảm bảo thời gian đầu trùn thích nghi tốt và có không gian trú ẩn là 40 kg sinh khối/m2. Giống trùn sinh khối nuôi để xử lý phân heo tươi là trùn quế Peryonyx excavatus (PE) và trùn châu Phi ANC- Eudrilus eugeniae. Tỷ lệ có thể sử dụng là 40% trùn quế PE và 60% trùn châu Phi ANC. Men gốc VL01 sẽ kích thích trùn PE và ANC phát triển và tiết dịch nhầy. Dịch nhầy tiết ra từ trùn chứa rất nhiều anxyme phân giải sinh học và hệ vi sinh vật có lợi giúp ức chế các vi sinh vật có hại có trong phân heo, tăng khả năng sinh sản kén giúp tăng năng suất trùn tinh sau khi thu hoạch.

+ Giai đoạn 6: sau khi thả giống tiến hành san bằng tương đối bề mặt bằng cào cỏ, sau đó phủ 1 lớp cám gạo mỏng trên bền mặt để trùn ăn và khỏe lại sau 1 quãng đường vận chuyển xa. Khối lượng rải 1 kg cám/10 m2. Sau khi rải cám gạo qua 1 đêm 12 giờ, tiến hành rải men gốc dạng bột VL02 (0.5 kg cho 50 m2 rải khắp bề mặt của trại trùn) để nhử trùn lên bề mặt và chuẩn bị cho trùn ăn phân heo đã trải qua các khâu xử lý nói trên. Tiến hành cho trùn ăn mẻ đầu tiên vào chiều mát nhằm tận dụng khung 12 giờ đêm trong thời gian đầu để trùn ăn mạnh hơn và khỏe hơn. Sau khi trùn đã hoàn toàn thích nghi với nơi ở mới và nguồn thức ăn mới, có thể cho trùn ăn vào buổi sáng hoặc chiều mát. Trong 15 ngày đầu nên cho trùn ăn mỏng và sệt phân heo đã xử lý. Sau 15 ngày trùn đã quen và thích nghi tốt thì cho ăn định kỳ 4-5 ngày/lần và cho ăn sệt dày hơn. Nếu trời nắng gắt nên phun mưa trên mái che và phun sương sơ bộ trên bề mặt trại trùn để tạo ẩm và độ mát cho sinh khối trùn bên trong trại. Nếu trại trùn xuất hiện dế nhũi thì sử dụng bả dế với công thức 1 gói regent + 0.5 kg cám trộn đều cho vào dĩa mỏng ép sát trên bề mặt trại trùn vào lúc chiều mát để khử dế nhũi vào ban đêm.

Ông Lê Minh Vương cho biết, mô hình nuôi trùn quế xử lý phân heo tươi đã được chuyển giao cho đơn vị chi nhánh của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; chuyển giao và ứng dụng mô hình quy mô công nghiệp cho 2 trại heo lớn tại tỉnh Ninh Thuận (nuôi trùn dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời bằng phân heo). Đồng thời ứng dụng quy trình thủy phân trùn thịt nuôi bằng phân heo làm các sản phẩm dinh dưỡng sinh học cho cây trồng và ứng dụng trong chăn nuôi. Thời gian tới sẽ triển khai tại các trại heo ở DakNong, Tây Ninh và Bình Phước.

Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm thời gian thủy phân (chỉ 5 giờ so với 20-30 ngày ủ men truyền thống); tiết kiệm chi phí và tối giản công nhân vận hành; hiệu suất chuyển hóa dinh dưỡng cao; giảm thiểu mùi hôi và tăng phẩm chất của sản phẩm; an toàn và ổn định chất lượng thành phẩm; có thể ứng dụng quy trình để thủy phẩn nhiều nguyên liệu đầu vào khác nhau như cá, bánh dầu, chất thải nhà máy thủy sản,…

Đến với Techmart Công nghệ sinh học 2020, Công ty Trùn quế Việt Nam tìm kiếm các cơ hội tiếp cận thị trường, kết nối chuyển giao công nghệ nêu trên. Đồng thời mong muốn tiếp cận các cơ chế hỗ trợ các starup nông nghiệp, đặc biệt là trong mảng trùn quế; kết nối giữa nhà khoa học, bên cung và bên cầu; xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn hỗ trợ các đề tài/dụ án khởi nghiệp nông nghiệp và ngành phân bón hữu cơ, xử lý chất thải hữu cơ; xây dựng kênh thương mại điện tử để mua, bán các quy trình công nghệ.

Techmart Công nghệ sinh học 2020 gồm 3 hoạt động chính: trưng bày, giới thiệu hàng trăm CN&TB tại 50 gian hàng; hội thảo trình diễn 27 chuyên đề công nghệ: từ các chuyên gia và doanh nghiệp; tư vấn của 8 chuyên gia về các giải pháp công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.

Sự kiện vào cửa tự do. Quý vị quan tâm điền form đăng ký trực tuyến để tiết kiệm thời gian check-in và nhận catalogue thông tin công nghệ và thiết bị: 

Đăng ký tham dự Techmart và hội thảo - Đăng ký tư vấn chuyên gia

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả