Dự án BERT 1 do nhóm sinh viên thuộc các lĩnh vực thiết bị y tế và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên Khoa Kỹ thuật Y Sinh (Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) và hỗ trợ từ Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Khoa Thương.
Máy BERT 1 hiện đã ra mắt phiên bản thử nghiệm, với kích thước 350x170x265 mm, trang bị màn hình LCD 9 inches, có khả năng phân tích 25 mẫu cùng lúc. Tốc độ gia nhiệt của máy đạt 2oC/phút, ghi nhận được đồ thị thể hiện sự nhân bản DNA. Máy có khả năng điều khiển nhiệt độ cho phản ứng PCR cũng như đo tín hiệu huỳnh quang theo thời gian thực, đặc biệt hữu dụng trong quy trình xét nghiệm phân tử phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ung thư, di truyền,...
Theo nhóm nghiên cứu, để xác định gene virus có trong mẫu bệnh một cách chính xác, công nghệ Real-time PCR đang được sử dụng và được xem là tiêu chuẩn vàng. Với yêu cầu xét nghiệm nhanh chóng và chính xác để xử lý kịp thời, xét nghiệm số lượng lớn, nhu cầu sử dụng Real-time PCR hiện đang tăng cao, nhất là trong các đợt xét nghiệm chẩn đoán dịch COVID-19. Các loại máy trên thị trường hiện có giá thành rất đắt đỏ (hầu hết từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng) và yêu cầu yếu tố kỹ thuật cao để vận hành, nên thường chỉ được trang bị cho các cơ sở y tế lớn. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận của các cơ sở y tế cấp huyện, xã, phường, cũng như các phòng khám tư nhân.
Trong khi đó, cả nước có 1.085 bệnh viện và 11.120 cơ sở y tế cấp xã, phường (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2017). Nếu các cơ sở y tế vừa và nhỏ này được trang bị công nghệ Real-time PCR thì tình trạng quá tải mỗi khi có dịch bệnh sẽ được khắc phục đáng kể. Do vậy, BERT 1, giải pháp tiếp cận công nghệ Real-time PCR với chất lượng tốt, giá thành thấp (khoảng 100 triệu đồng) nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, có thể sản xuất trong nước sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu xét nghiệm cho các cơ sở y tế vùng sâu vùng xa, và phục vụ tốt cho các công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ở các phòng thí nghiệm vừa và nhỏ, các trường đại học.
Quy trình vận hành của BERT 1 như sau: mẫu DNA nghi ngờ có bệnh và chất huỳnh quang đặc hiệu cho bệnh được đưa máy. Qua mỗi chu kì, DNA được nhân bản, đồng thời giải phóng chất huỳnh quang. Nếu trong khoảng thời gian xác định, lượng huỳnh quang được giải phóng đạt ngưỡng thì mẫu được kết luận là dương tính.
Đội ngũ BERT 1 đang tìm kiếm, mở rộng mạng lưới đối tác liên kết, nguồn vốn đầu tư và hợp tác sản xuất để đưa sản phẩm chính thức ra thị trường vào năm 2021. Phân khúc khách hàng nhắm đến của BERT 1 là các phòng thí nghiệm vừa và nhỏ trong các trường đại học ở TP.HCM và các tỉnh lân cận; các hệ thống trung tâm y tế tuyến huyện, xã vùng sâu vùng xa; khách hàng có nhu cầu mua hàng giá rẻ, vì đây là thị trường ngách đầy tiềm năng. Trong tương lai, nhóm sẽ phát triển phần mềm sử dụng AI trên điện thoại thông minh, có liên kết với máy, nhằm tối ưu việc xử lý và phân tích kết quả xét nghiệm; mở rộng mạng lưới liên kết tới các đối tác bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM, đồng thời phát triển hệ sinh thái Big Data trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế.
BERT 1 sẽ được giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học 2020 do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tổ chức vào các ngày 5-6/11 sắp tới.
Techmart Công nghệ sinh học 2020 gồm 3 hoạt động chính: trưng bày, giới thiệu CN&TB: 50 gian hàng cùng hàng trăm CN&TB; hội thảo trình diễn công nghệ: 27 chuyên đề, bao gồm tham luận khoa học từ các chuyên gia và hội thảo giới thiệu công nghệ từ các doanh nghiệp; tư vấn chuyên gia về công nghệ: 8 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.
Sự kiện vào cửa miễn phí. Quý vị quan tâm điền form đăng ký trực tuyến tại đây để tiết kiệm thời gian check-in và nhận catalogue thông tin công nghệ và thiết bị.
|
Lam Vân (CESTI)