Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường nhằm phát triển sản phẩm vi sinh xử lý hiệu quả nước thải nhiễm mặn ngành thủy hải sản.
Theo PGS.TS Lê Hùng Anh (Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường), đặc trưng chung của các loại nước thải có độ mặn cao là nồng độ NaCl đạt từ 3–30g/l. Nước thải nhiễm mặn khá đa dạng và phức tạp. Các loại nước thải có độ mặn cao thường gặp là nước thải dệt nhuộm, thuộc da, từ các nhà máy chế biến thủy hải sản, chế biến rau củ quả, sản xuất nước mắm,...hoặc nước thải ao nuôi thủy sản nước mặn, nước thải sinh hoạt nhiễm mặn, nước thải chăn nuôi nhiễm mặn,...đòi hỏi phải có những công nghệ xử lý đặc biệt. Mỗi loại nước thải đều có những đặc tính riêng, nên quá trình xử lý cũng phải ứng dụng các công nghệ khác biệt. Ở Việt Nam, công nghệ xử lý nước thải nhiễm mặn vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ.
Là một trong 10 nước có sản lượng xuất khẩu thủy sản cao trên thế giới, vì vậy nguồn nước thải nhiễm mặn là vấn đề môi trường đáng lo ngại cho cả ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản của Việt Nam. Nước thải từ quá trình chế biến thủy sản nhiễm mặn rất cao, chứa nhiều chất hữu cơ, chất thải rắn và dầu mỡ. Mặt khác, nhiều nhà máy chế biến ở gần biển do thiếu nước ngọt nên sử dụng nước biển để sục rửa hệ thống máy móc, càng làm tăng độ mặn của nước thải.
Để tạo chế phẩm vi sinh EM SW-9, nhóm nghiên cứu đã phân lập các chủng vi khuẩn có khả năng phát triển trên môi trường đặc trưng từ 10 mẫu nước nước thải nhiễm mặn (thu thập từ khu vực cảng cá và nhà máy chế biến thủy hải sản); khảo sát khả năng chịu mặn của các chủng; định danh các chủng tuyển chọn. Kết quả tuyển chọn được 10 chủng (1B1, 1C2, 2A2, 2B1, 2B3, 3A5, 3B3, 4A1, 4A7, 4B6) và định danh bằng phương pháp Maldi-Tof cho thấy 1 chủng thuộc chi Staphylococcus, 1 chủng thuộc chi Micrococcus, 1 chủng thuộc chi Arthrobacter, 1 chủng thuộc chi Lactobacillus; còn lại 6 chủng thuộc chi Bacillus. Các chủng tuyển chọn có khả năng thích nghi với nồng độ muối tăng dần, điều này làm cơ sở ứng dụng các chủng phân lập được để xử lý nước thải nhiễm mặn tại khu vực địa phương. Các chủng tuyển chọn cũng được đánh giá khả năng xử lý nước thải nhiễm mặn và chọn ra 6 chủng để tạo chế phẩm EM SW-9.
Theo đó, sử dụng 6 chủng vi khuẩn (1B1, 2B1, 3B3, 4A1, 4B6, 1C2), lên men trong bioreactor, tối ưu hóa quy trình nuôi cấy thu nhận sinh khối, nhóm nghiên cứu đã tạo được chế phẩm vi sinh EM SW-9. Mật độ sau nuôi cấy cấp 3 (tế bào/ml) của chủng 1B1 đạt 3x109; 1C2 là 2,4x109; 2B1 là 3,2x109; 3B3 là 1,7x109; 4A1 là 3,6x109 và 4B6 đạt 6,6x109.
Kết quả thử nghiệm chế phẩm cho thấy, với tỷ lệ pha loãng 1:10 (để xử lý 1m3 nước thải cần 100L chế phẩm đã hòa tan, hay 10 kg chế phẩm dạng rắn) hoặc 1:50 (sử dụng 2 kg chế phẩm/m3 nước thải cần xử lý) khi bổ sung vào hệ thống xử lý, cho hiệu suất xử lý lần lượt là 88,75% và 80,35% trong 72 giờ. Chế phẩm có độ tinh sạch cao, mức độ thuần các chủng ổn định sau 6 tháng bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Bên cạnh quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý nước thải nhiễm mặn, chế phẩm vi sinh vật xử lý nước thải nhiễm mặn EM SW-9, đến với Techmart Công nghệ sinh học 2020, Viện KHCN và Quản lý Môi trường sẽ giới thiệu và tìm kiếm đối tác chuyển giao sản phẩm, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật xử lý mùi hôi, xử lý rác thải, xử lý bùn đáy ao nuôi thủy sản.
Techmart Công nghệ sinh học 2020 gồm 3 hoạt động chính: trưng bày, giới thiệu hàng trăm CN&TB tại 50 gian hàng; hội thảo trình diễn 27 chuyên đề công nghệ: từ các chuyên gia và doanh nghiệp; tư vấn của 8 chuyên gia về các giải pháp công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.
Sự kiện vào cửa tự do. Quý vị quan tâm điền form đăng ký trực tuyến tại đây để tiết kiệm thời gian check-in và nhận catalogue thông tin công nghệ và thiết bị.
|
Lam Vân (CESTI)