SpStinet - vwpChiTiet

 

Sửa đổi Luật SHTT: Cơ hội cho những sáng chế tiềm năng

Những sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn quy trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc đăng ký sáng chế ở Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh hơn phần nào hành trình thương mại hóa công nghệ của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.

Trước thực tế lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,...) ngày càng tăng như hiện nay, làm thế nào để đơn giản hóa hơn nữa thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tăng tốc xử lý đơn để giảm thiểu tình trạng tồn đọng đơn là bài toán mà Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) luôn nỗ lực tìm lời giải. Bên cạnh các giải pháp căn cơ như tăng cường nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ quá trình xử lý đơn, Cục Sở hữu trí tuệ đã đề xuất một số sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này.

Việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Ảnh: TS. Lê Văn Tri (Biogroup), một trong những người sở hữu nhiều sáng chế nhất ở Việt Nam. Nguồn: Sohuutritue.net

Gỡ “nút thắt” tính mới của sáng chế

Thông thường, ai cũng biết rằng một sáng chế phải có ba đặc tính bắt buộc là tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Một sáng chế sẽ bị mất tính mới nếu bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký hoặc trước ngày ưu tiên (ngày ưu tiên là ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục Sở hữu trí tuệ hay tại một nước thành viên khác của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trước khi nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ trong thời hạn nhất định). Trong khi đó, quy trình đăng ký sáng chế thông thường gồm các bước thẩm định hình thức, nếu đạt sẽ chuyển sang công bố đơn hợp lệ, sau đó mới thẩm định nội dung và cấp văn bằng. Theo quy định hiện nay, “ngày bộc lộ” sẽ là ngày công bố đơn chứ không phải là ngày nộp đơn.

Việt Nam là quốc gia bảo hộ sáng chế theo trường phái “first to file”, tức là bảo hộ cho chủ thể nộp đơn sớm nhất. Sự “lệch tông” giữa hai nội dung trên đã dẫn đến khó khăn trong đánh giá tính mới của sáng chế, “làm gia tăng tình trạng tồn đọng đơn”, theo phân tích trong dự thảo. Cụ thể, nếu muốn từ chối cấp bằng bảo hộ cho những đơn nộp muộn hơn nhưng công bố sớm hơn, sẽ phải chờ đến khi có yêu cầu thẩm định nội dung của đơn nộp sớm hơn. Điều này không chỉ khiến người nộp đơn phải chờ đợi lâu mà còn khiến số lượng đơn vốn đã quá tải ngày càng thêm chồng chất.

Do đó, một trong những đề xuất của dự thảo là sửa đổi quy định “ngày bộc lộ” tính mới của sáng chế, vốn được dự báo sẽ tác động nhiều nhất đến quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế. Việc sửa đổi theo hướng chọn ngày nộp đơn là “ngày bộc lộ” không chỉ đảm bảo nguyên tắc “first to file” mà còn giải quyết vướng mắc bấy lâu nay cho cả người nộp đơn lẫn người thẩm định.

Làm rõ quy định về sáng chế “mật”

Ngoài việc rút ngắn quá trình đăng ký bảo hộ, những sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, làm rõ các quy định về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn mở rộng cánh cửa đăng ký bằng độc quyền cho những sáng chế tiềm năng ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Điều này thể hiện rõ nhất qua đề xuất về sáng chế mật và kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài. Mặc dù nội dung về sáng chế mật đã được quy định trong Nghị định số 103/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp, song các quy định này vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Về sáng chế mật, hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn xác định thế nào là sáng chế mật, dẫn đến “thực tế từ khi quy định về sáng chế mật được ban hành từ năm 2010 đến nay, chưa có sáng chế nào nộp tại Cục SHTT được xác định là sáng chế mật”, theo báo cáo phân tích dự thảo sửa đổi. “Trong khi đó, đối tượng bị kiểm soát an ninh sáng chế trong pháp luật hiện hành dường như quá rộng, do đó, có khả năng không khuyến khích được việc đăng ký sáng chế tại Việt Nam, do tâm lý e ngại về việc kiểm soát an ninh”. Những trường hợp này không khó bắt gặp trong thực tế. “Rất nhiều khách hàng của chúng tôi lo lắng về vấn đề này, quy định cũ thực sự quá khó để giải thích cho họ, nếu chúng ta không quy định rõ thì việc áp dụng cực kì khó cho người nộp đơn”, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận xét trong một hội thảo về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào tháng 1/2021.

Trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này, các nội dung về sáng chế mật và kiểm soát an ninh sáng chế được quy định rõ ràng hơn. “Đây là điều rất đáng mừng, chúng tôi ghi nhận đóng góp của ban soạn thảo”, luật sư Đoàn Hồng Sơn ở công ty luật IP Max nhận xét trong hội thảo. “Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta vẫn nên quy định rõ hơn về thế nào là sáng chế có tác động đáng kể đến an ninh quốc phòng, chẳng hạn như các nước khác trên thế giới có danh sách rất cụ thể. Nếu chúng ta không quy định cẩn thận thì có thể dẫn đến việc các công ty nước ngoài muốn đầu tư, chẳng hạn xây dựng trung tâm R&D ở Việt Nam, lo ngại ràng buộc vì các quy định về an ninh sáng chế lại chuyển sang các nước khác. Chúng ta phải quy định làm sao để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tạo ra sáng chế, vì chủ trương của chúng ta là hấp thụ sáng chế, công nghệ cao, muốn vậy phải có những trung tâm R&D ở Việt Nam”, ông góp ý.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang kỳ vọng nhiều vào những sửa đổi này. Các quy định rõ ràng hơn về kiểm soát an ninh sáng chế ra nước ngoài sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp đơn sớm tại nước ngoài, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp không muốn nộp đơn tại Việt Nam do không có nhu cầu khai thác, thương mại hóa sáng chế tại thị trường Việt Nam, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu kiểm soát an ninh đối với sáng chế. “Chúng tôi rất quan tâm đến các thủ tục liên quan đến sáng chế mật và kiểm soát an ninh sáng chế, rất mong thủ tục sẽ đơn giản và nhanh chóng, giúp doanh nghiệp có thể thấy rõ mình phải làm gì để nộp đơn ra nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Hồng Anh ở Vingroup bày tỏ trong hội thảo.

Nguồn: 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả