SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng tấm tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người điều trị bệnh tim mạch

Nghiên cứu được TS. Phạm Lê Bửu Trúc và cộng sự (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM) nhằm tạo ra tấm tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người, hướng đến điều trị bệnh tim, đồng thời đánh giá các đặc tính vật lý, sinh học của giá thể tế bào hình thành.

Cho đến nay đã có một số thử nghiệm lâm sàng trong điều trị bệnh tim mạch bằng phương pháp tiêm truyền tế bào gốc (hay tế bào tiền thân cơ tim) vào động mạch vành của bệnh nhân. Kết quả ban đầu cho thấy chức năng tim được cải thiện. Tuy nhiên, lượng tế bào tồn tại được trong vùng tim rất thấp, phần lớn tế bào bị trôi đi. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân bị suy tim nặng do thiếu máu cục bộ lâu dài dẫn đến xơ hóa và chết các tế bào cơ tim, khiến cho thành tim trở nên rất mỏng, nên việc tiêm tế bào không mang lại hiệu quả cao.

Với tấm tế bào, nó cho phép “vá” tạm thời thành tim bị mỏng, giúp tế bào được đưa vào đúng vị trí, hạn chế bị trôi, nhờ đó có thể phát huy tối đa khả năng sửa chữa, tái tạo của chúng trong cơ thể bệnh nhân. Chính vì thế, việc tạo ra tấm tế bào gốc hướng đến “vá” tạm thời thành tim bị mỏng là việc làm cần thiết và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành tạo tấm tế bào gốc bằng cách cấy tế bào hUC-MSCs (tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người) lên giá thể được tạo ra từ màng ối (được đặt tên là giá thể Col-T). Tấm tế bào gốc này được đánh giá về mặt cơ học, độc tính, mức độ nhiễm khuẩn và đặc biệt các tế bào sau khi được cấy ghép lên giá thể cũng được thu nhận nhằm phân tích các đặc tính của chúng có gì khác biệt với tế bào trước khi cấy ghép.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tế bào được cấy sau 18 giờ bám đầy trên bề mặt giá thể, đồng thời, các tế bào có khả năng sống và tăng sinh tốt trên giá thể Col-T. Cường độ kéo trung bình của tấm tế bào đạt 2,65Mpa. Tấm tế bào đạt yêu cầu vô khuẩn khi được kiểm tra tổng số vi khuẩn, Candida albicans, Pseudomonas aeruginosa Staphylococcus theo thông số 06/2011/TT-BYT. Thêm vào đó, tấm tế bào không gây độc khi được đánh giá độc tính tiếp xúc và độc tính miễn dịch thể theo tiêu chuẩn ISO-10993. Tóm lại, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra tấm tế bào từ tế bào gốc trung mô mô cuống rốn và giá thể Col-T, đạt yêu cầu thử nghiệm cấy ghép in vitro cho người mắc bệnh tim mạch.

Trên đây là nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu tạo tấm tế bào gốc trung mô mô cuống rốn người hướng đến ứng dụng điều trị bệnh tim”, vừa được cập nhật vào  Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trên Hệ thống còn rất nhiều đề tài nghiên cứu cùng chủ đề y học vừa được cập nhật, có thể kể đến như:

  1. Ứng dụng kỹ thuật ghép tim từ người cho đa tạng chết não tại bệnh viện Chợ Rẫy
  2. Sử dụng phương pháp mô phỏng động lực học phân tử không cân bằng để nghiên cứu cơ chế mở rào cản máu não dưới tác động của siêu âm hội tụ
  3. Nghiên cứu tạo kháng thể đơn dòng kháng HER2 hướng đến ứng dụng trong điều trị ung thư vú
  4. Nghiên cứu sàng lọc thảo dược có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình tế bào HepG2 bị gây độc bởi ethanol hoặc tert-butyl hydroperoxide

Quý bạn đọc có thể bấm vào nhan đề để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu trên Hệ thống để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://stinet.gov.vn/

Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thực hiện theo Đề án liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ do Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt.

Được triển khai từ tháng 5 năm 2018, đến nay, Hệ thống đã liên kết dữ liệu của 39 tổ chức KH&CN thành viên (các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và thư viện) tại TP.HCM, với hơn 440 ngàn tài liệu, gồm thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, sách, giáo trình nội bộ, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH&CN, tài liệu hội thảo,...

Hệ thống cho phép người dùng tra cứu, khai thác trực tuyến đến các tài liệu thư mục và toàn văn theo cơ chế mở.

Kim Oanh (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả