Đảm bảo về lượng lẫn chất
Theo kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn lực công nghệ thông tin (CNTT), Việt Nam cần đến 1 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020. Con số này nằm trong nội dung Đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và truyền thông” được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.
Thế nhưng, cả nước hiện chỉ có 177.000 sinh viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) CNTT, điện tử, viễn thông hệ chính quy đang theo học tại hơn 400 trường ĐH, CĐ. Khoảng 1/4 số sinh viên đang được đào tạo tại 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về CNTT. Cả hệ thống đào tạo hiện chỉ có thể cung cấp khoảng 600.000 lao động CNTT.
Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT (Bộ TT-TT) gần đây, có 72% số sinh viên CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm. Chỉ khoảng 15% tân cử nhân đáp ứng được yêu cầu. Trong khi, theo Bộ KH-CN, các lĩnh vực trọng tâm CNTT đã thu hút hơn 700 công ty, trong đó có 220 công ty nước ngoài, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, hoặc bên trong các khu công nghệ phần mềm tập trung. Với riêng lĩnh vực AI, có rất ít đơn vị đào tạo.
Sinh viên ngành Công nghệ tự động hóa thực hành điều khiển robot tại phòng thí nghiệm
PGS-TS Vũ Hải Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhìn nhận, hiện nay chưa có một chuyên ngành/nhóm ngành đào tạo chính thức về AI ở bậc ĐH. Phần lớn kiến thức CNTT ĐH tập trung phục vụ mảng gia công phần mềm, vốn là trào lưu của thập niên trước. Chỉ một bộ phận rất nhỏ các môn học có liên quan đến AI, lại chưa được hệ thống hóa hay định hướng nghề nghiệp cụ thể.
Do đó, chúng ta cần cải tổ chương trình đào tạo để thích ứng với làn sóng công nghệ cao trên thế giới, cụ thể là thành lập Khoa AI hay các bộ môn về Thị giác máy tính, Xử lý ngôn ngữ nói, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Big Data, Robotics…; liên kết doanh nghiệp AI cung cấp chương trình Intership, thực tập và hướng nghiệp, bổ sung trang thiết bị hiện đại cho chương trình AI: cụm server, computing cluster, GPU, robot, thiết bị IoT…, tổ chức hội thi học thuật (challenges) giải quyết các vấn đề về AI trong công nghiệp.
Cần giải pháp mang tính chiến lược
Theo các chuyên gia, để có nguồn nhân lực mang tính chiến lược, TPHCM cùng nhiều bên cần nhận diện thực trạng và các tiền đề quan trọng về nguồn lực KH-CN, nhu cầu thị trường, khả năng triển khai ứng dụng sau nghiên cứu và chủ động đặt vấn đề phát triển đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo; trong đó tập trung ươm mầm tiềm năng AI quốc gia, phát triển nhân tài và từng bước hoàn chỉnh hệ sinh thái AI. Khi tiềm lực về AI và CNTT đủ lớn, TPHCM có thể định hướng phát triển thành một trung tâm dữ liệu của Đông Nam Á tới năm 2030 để vươn tầm khu vực và thế giới.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo, cần vạch ra những chiến lược cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó tập trung 3 mũi nhọn: công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong nghiên cứu và đào tạo, cần đầu tư vào AI thông qua các quỹ nghiên cứu và hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với đối tác trong và ngoài nước để tập trung được thế mạnh tổng hợp vì một trường ĐH hay viện nghiên cứu đơn lẻ không thể gánh vác hết.
Ý tưởng về trường ĐH chia sẻ có thể tập trung cơ sở vật chất nhưng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau để tận dụng được ưu điểm, thế mạnh của tất cả đơn vị… TPHCM cần có bộ chính sách quy định trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên; thỏa thuận khung quy định vai trò và trách nhiệm của TPHCM và các trường ĐH trong bức tranh toàn cục của đề án. Sau tất cả, mục tiêu chính của công tác này là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về CNTT và AI.
PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng, tiềm lực các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu sẽ quyết định trực tiếp khả năng thành công trong phát triển AI và định hướng đào tạo nguồn nhân lực. Nhóm nghiên cứu vừa mở đường công nghệ, vừa tham chiếu học thuật, vừa là niềm tin, động lực cho thế hệ trẻ.
Tiêu điểm của chiến lược này gồm tài trợ cho các nhóm nghiên cứu lớn tại TPHCM mảng AI và liên ngành ứng dụng AI chủ chốt… TPHCM cần tạo điều kiện, khuyến khích xây dựng nhóm nghiên cứu AI cho các trường có thế mạnh (trong đó có ĐH Quốc gia TPHCM), mở quỹ đầu tư và phát triển các phòng thí nghiệm về AI, hỗ trợ nghiên cứu khoa học nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, nhóm nghiên cứu đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau; hướng đến các công bố có uy tín cấp khu vực và quốc tế, nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trong giới nghiên cứu quốc tế lĩnh vực AI; tạo ra các cuộc thi học thuật với dữ liệu và bài toán thực tế từ nhu cầu của thành phố, khuyến khích các nhóm nghiên cứu, cá nhân, doanh nghiệp giải quyết về mặt học thuật.
Nguồn: THANH HÙNG - sggp.org.vn