Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vaccine cúm A/H5N1 là một trong những dự án nổi bật của Chương trình KH&CN quốc gia. Kết quả dự án đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép sản xuất và lưu hành. Ảnh: Sản xuất vaccine tại NAVETCO.
Ngày 25/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 118/QĐ-TTg ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.
Chương trình hướng đến tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Bên cạnh đó, chương trình đặt ra mục tiêu thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao. Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần so với trước khi đổi mới công nghệ. Đi kèm với đó, chương trình đề ra mục tiêu tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho hoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến.
Xa hơn, đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm. Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất hai lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. So với mục tiêu năm 2025 với chỉ một mô hình nghiên cứu tại mỗi vùng kinh tế, thì đến năm 2030 mỗi vùng kinh tế ít nhất phải hình thành được hai mô hình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Theo đó, để thực hiện được những mục tiêu trên, ban chỉ đạo chương trình cần thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm:
- Hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ.
- Xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
- Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ.
- Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Nguồn: Anh Thư - khoahocphatrien.vn