SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chuyền treo tự động ngành may

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Thương mại Nhất Tinh chủ trì thực hiện, KS. Lê Anh Tuấn làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2019.

Việt Nam là nước có quy mô dệt may xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Dệt may Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới vì có khả năng sản xuất cung ứng trên 70 tỷ USD hàng dệt may, với 7-8 triệu lao động trong khu vực này, chuỗi cung ứng trong nước đang có ở mức 35% lượng nguyên liệu cần dùng là tiền đề đủ để phát triển lên trên 50% trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam còn có những hạn chế như tỷ lệ sản xuất nguyên liệu trong nước chưa cao, mới đạt 58% lượng nguyên liệu nhập khẩu; các khâu có giá trị cao như thiết kế, phân phối, thương hiệu, tỷ trọng sản xuất trọn gói bao gồm cả thiết kế (ODM) còn rất thấp; tính liên kết, chia sẻ thị trường, phục vụ chung khách hàng, tạo mặt bằng chi phí tốt nhất cho sản xuất trong nước còn rất hạn chế, với 90% trong số 6.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước còn ở quy mô nhỏ;… Đặc biệt là hệ thống công nghệ còn chưa đồng bộ, mức tự động hoá trong sản xuất và quản lý còn hạn chế.

Một trong những giải pháp lớn được Chính phủ quan tâm và thúc đẩy là tái cơ cấu doanh nghiệp, dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động. Để nâng cao năng suất, rõ ràng cần thay đổi phương pháp sản xuất: chuyển từ dạng phương thức bó (Bundle System) sang phương thức sản xuất từng bộ chi tiết hoàn chỉnh (Unit Production System-UPS), trong đó sử dụng chuyền treo tự động với ứng dụng công nghệ CIM (hệ thống sản xuất tích hợp máy tính). Hệ thống này có máy tính trung tâm nhận dữ liệu về nguyên liệu hoặc bán thành phẩm cung cấp, kiểm soát năng suất của thợ, điều khiển cung cấp nguyên liệu hoặc bán thành phẩm tối ưu. Máy tính sẽ đóng vai trò quản đốc, thực hiện giám sát hoạt động của công nhân, quản lý cung ứng và sản phẩm để điều chuyền hợp lý. Chỉ có ứng dụng CIM, năng suất chuyền may mới được nâng cao.

Với đề tài nêu trên, nhóm nghiên cứu đã thiết kế chế tạo được dây chuyền treo may công nghiệp dạng vòng kín và dây chuyền treo may công nghiệp dạng thẳng vòng hở, phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam, có khả năng lắp đặt ở các không gian khác nhau. Hệ thống chuyền treo dạng thẳng vòng hở chứa 10 trạm may, kích thước 1 trạm là 1.700x3.000x200 mm, các trạm được bố trí theo vòng hở, dạng thẳng, một hoặc hai bên, cho phép tổ chức chuyền may theo bó, bó tiến dần hay theo một hàng. Hệ thống chuyền treo vòng kín gồm 32 trạm may, kích thước 1 trạm là 1.700x3.000x2.050 mm. Cấu hình hệ thống, các yêu cầu và tính năng kỹ thuật kèm theo cho các chuyền treo dạng thẳng vòng hở và dạng vòng kín cũng được thiết kế gồm: băng tải cấp liệu, hệ thống điều khiển, phần mềm điều khiển vận hành và phần mềm CIM.

Hệ thống chuyền treo đã được vận hành thử nghiệm, kiểm định các chỉ tiêu chất lượng và áp dụng thử nghiệm tại doanh nghiệp may. Hệ thống đáp ứng các yêu cầu hoạt động ổn định, hệ thống điều khiển thân thiện với người quản lý chuyền và công nhân may; tăng năng suất; giá thành thiết bị phù hợp với khả năng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam; đảm bảo việc bảo hành, sửa chữa và phát triển phần mềm sau này. Hệ thống cũng có khả năng hoàn thiện sản phẩm để hướng tới sản xuất hàng loạt, triển khai ứng dụng vào thực tiễn.

Qua đề tài này, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ chế tạo thiết bị công nghệ cao, chính xác cao, giúp tăng tính chủ động trong sản xuất chế tạo mà không phụ thuộc nguồn thiết bị nhập từ nước ngoài. Cụ thể gồm những công nghệ: phần mềm hỗ trợ thiết kế chuyền may công nghiệp; phân hệ phần mềm hỗ trợ quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP; công nghệ nhận dạng sản phẩm RFID ngành may; công nghệ truyền thông không dây cho chuyền treo; công nghệ gia công nhanh các chi tiết và kết cấu máy; đặc biệt là công nghệ CIM, IoT, đây là tiền đề thực hiện công nghệ 4.0 trong ngành may.

Đồng thời, đạt được mục tiêu nghiên cứu thiết kế chuyền treo tự động giá thành thấp, ứng dụng công nghệ CIM, hướng tới cung cấp cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta, giúp giảm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và quản lý cho ngành may mặc trong nước, góp phần phát triển các sản phẩm mục tiêu của TP.HCM.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả