Theo TS Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và quản trị, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT, CĐS đối với doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng, mang tính sống còn trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới, đặc biệt với việc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
CĐS trong doanh nghiệp thường diễn ra theo 2 hình thức chính gồm: ứng dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh hiện tại (chẳng hạn để tăng trải nghiệm khách hàng từ khâu ra quyết định mua hàng cho đến hậu mãi); thay đổi hoàn toàn mô hình hoạt động và cấu trúc (ví dụ như thay đổi mô hình doanh thu dựa trên công nghệ số mới và dữ liệu lớn). TS Nguyễn Quang Trung cho hay, dù CĐS đã có mặt hơn 10 năm song phần lớn CĐS ở doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều dựa trên các giải pháp tình huống.
Nghiên cứu mới đây của nhóm chuyên gia Đại học RMIT hợp tác với Công ty Kiểm toán KPMG thực hiện cho thấy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân lớn đang CĐS tốt. Xét về năng lực và quản trị, cả nhóm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khởi trên hành trình này.
Nghiên cứu cũng cho thấy, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, quá trình CĐS của các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam đều gặp những thách thức lớn, đặc biệt là với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngay cả trước đại dịch, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn do khả năng quản trị doanh nghiệp kém, cạnh tranh cao, năng lực sáng tạo thấp, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và chi phí vận hành doanh nghiệp cao.
“Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức, không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai nếu doanh nghiệp và Chính phủ không có những giải pháp phù hợp”, TS Nguyễn Quang Trung nhận định.
Cũng theo TS Nguyễn Quang Trung, đại dịch Covid-19 có thể buộc doanh nghiệp Việt Nam phải suy nghĩ lại và nhanh chóng áp dụng công nghệ kỹ thuật số để phát triển. Đó là con đường không thể đảo ngược nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ 4.0 đang bùng nổ. Nói cách khác, CĐS là con đường gần như bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, thực hiện càng sớm càng tốt.
Một vấn đề thấy rõ là hơn 1 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng nổ, nhiều doanh nghiệp CĐS tiếp tục phát triển, thậm chí là phát triển mạnh nhờ áp dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hàng loạt mô hình và cơ hội kinh doanh trên nền tảng số cũng đã xuất hiện khi dịch Covid-19 hoành hành. Nếu không biết nắm bắt những cơ hội đó, doanh nghiệp sẽ rơi vào khó khăn, thậm chí là phá sản.
CĐS đang là quá trình đầy thách thức và khó khăn trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn cần CĐS ngay, không nên đẩy mình vào vị trí của những doanh nghiệp lớn đã trì hoãn quá trình CĐS để rồi gặp nhiều khó khăn… Việc chậm thay đổi trong giai đoạn hiện nay sẽ có thể tác động nặng nề đến doanh nghiệp còn hơn tác động của dịch Covid-19.
Nguồn: Trần Lưu - sggp.org.vn