Đã triển khai ở 30 tỉnh thành
Những năm gần đây, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, tỉnh, thành phố cả nước hết sức chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của chính quyền, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử. Với vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, VNPT đã đồng hành với nhiều tỉnh, thành phố xây dựng thành công các IOC.
Theo các chuyên gia, hệ thống IOC được xem là “bộ não số” của các địa phương với khả năng tích hợp dữ liệu và hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực. Chức năng trọng tâm của IOC gồm: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; giám sát chất lượng môi trường; giám sát, điều hành các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch...
Với nhiều giá trị, tiện ích thiết thực đã kiểm chứng, hệ thống IOC được VNPT xây dựng, triển khai tại 30 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều địa phương đã đưa vào vận hành như: Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, Hà Giang, Tây Ninh, Phú Thọ, Trà Vinh, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Hòa Bình, Kiên Giang, Lào Cai, Bắc Kạn...
Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành
Một trong những đột phá của giải pháp IOC là khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành trên nền tảng thiết bị di động giúp lãnh đạo các cấp có thể dễ dàng quản trị điều hành mọi nơi, mọi lúc. Từ đó, việc ra quyết định sẽ nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành quản lý công việc. Với người dân có thể tham gia phản ánh các bất cập vi phạm trật tự đô thị, sự cố hạ tầng đô thị, thông tin xử lý dịch vụ công thông qua ứng dụng di động. Đây là cơ sở để hình thành một ứng dụng di động duy nhất cho người dân tương tác và sử dụng các dịch vụ công của chính quyền.
Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cho biết, hoạt động của IOC là điểm nhấn quan trọng trên chặng đường xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh Lào Cai; thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng hiện đại.
Cùng quan điểm, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho rằng, việc khai trương IOC tỉnh Bắc Kạn đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn. Với sự tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động được thể hiện trực quan, sinh động, IOC tỉnh Bắc Kạn được kỳ vọng giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, toàn diện về hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực; đồng thời tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Theo ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, VNPT sẽ tiếp tục huy động đội ngũ chuyên gia tốt nhất hợp tác với các tỉnh thành, để đảm bảo vận hành hệ thống IOC ở các địa phương; hỗ trợ xây dựng các quy định, quy trình vận hành thống nhất, đồng bộ, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phần mềm và yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành. Hệ thống IOC của VNPT đã sẵn sàng kết nối với trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ công tác giám sát, chỉ đạo điều hành xuyên suốt từ Chính phủ đến bộ ngành, địa phương.
“Hệ thống IOC thực sự đang trở thành cánh tay đắc lực của các địa phương trong điều hành hoạt động. Đây là nền tảng, bước đầu tiên để các địa phương chuyển mình thành chính quyền số, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở Việt Nam; hướng tới phát triển Chính phủ số trong tương lai”, ông Long cho biết.
Nguồn: Quỳnh Lưu - sggp.org.vn