SpStinet - vwpChiTiet

 

Đảm bảo an toàn không gian số

Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về định hướng phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), chính phủ số giai đoạn mới cho biết, hầu hết chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 17 về phát triển CPĐT đặt ra đến năm 2020 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra.

Giới thiệu những sản phẩm ATTT do Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ trong Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 diễn ra tại Hà Nội

Giới thiệu những sản phẩm ATTT do Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ trong Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 diễn ra tại Hà Nội

Những chỉ tiêu chưa hoàn thành chủ yếu là nhóm chỉ tiêu về mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và chỉ tiêu về định danh và xác thực điện tử. Một số chỉ tiêu còn lại đặt mục tiêu đạt 100% trong Nghị quyết 17 đều đạt trên 98% vào cuối năm 2020 và sẽ hoàn thành trong quý 1-2021. 

Trong 5 năm vừa qua, đặc biệt là 2 năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về CPĐT, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, có cách tiếp cận mới để giải quyết các điểm nghẽn, đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chính phủ số Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025 và thuộc nhóm 50 của thế giới. Khi đó, các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/7 theo nhu cầu và cá thể hóa. Các dịch vụ công mới được phát triển dựa trên dữ liệu mở với sự tham gia hợp tác của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Chính phủ số là một cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi từ CPĐT thành chính phủ số là sự chuyển đổi có tính căn bản, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số. Khái niệm hệ thống công nghệ thông tin được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp… Thách thức của CPĐT là liên thông, tích hợp thì thách thức của chính phủ số là quản lý sự thay đổi.

Cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế - xã hội thì việc xây dựng và phát triển CPĐT là điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là trong năm 2020. Đặc biệt, một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như: cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch… Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai trương ngày 25-2 vừa qua là cú hích giảm giấy tờ thủ tục hành chính đáng kể.

Đánh giá cao những kết quả đạt được, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, an toàn, an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số là điều kiện tiên quyết, luôn là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển CPĐT; đồng thời cơ sở dữ liệu quốc gia phải được sử dụng hiệu quả chứ không phải mỗi bộ, cơ quan “cứ ôm giữ”, không chia sẻ. Đây cũng chính là 2 vấn đề quan trọng, cực kỳ nhạy cảm trong quá trình xây dựng, phát triển CPĐT hiện nay nhằm hướng đến chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.

Nếu không đảm bảo an toàn không gian số thì không liên thông được cơ sở dữ liệu quốc gia, không thể phát triển CPĐT, chính phủ số. Hiện nay, môi trường pháp lý cho CPĐT vẫn chưa hoàn thiện; một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành, đặc biệt là về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử…

Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng ban hành, điều chỉnh; nhìn thẳng vào vấn đề, xác định trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình xây dựng CPĐT, chính phủ số trong thời gian tới.

Nguồn: Trần lưu - sggp.org.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả