Trước đây, tất cả lách vỡ đều được cắt bỏ ngay cả khi chỉ là một tổn thương nhẹ, mặc dù những nguyên lý của việc bảo tồn lách đã được biết tới từ thế kỷ XVI. Từ năm 1919, Morris và Bullock đã lưu ý rằng cắt lách là một yếu tố làm cho con người dễ bị nhiễm trùng hơn.
Tại nhiều bệnh viện trên thế giới, vấn đề điều trị bảo tồn vỡ lách đã được đặt ra và thực hiện có hệ thống từ khoảng thập niên 70 trở lại đây. Cuộc cách mạng trong điều trị bảo tồn vỡ lách chấn thương là một trong những tiến bộ vượt bậc trong phẫu thuật nhi kể từ sau công bố của Upadhyaya. Tới năm 1979, rất nhiều công trình nghiên cứu về điều trị bảo tồn lách không mổ thành công ở hàng trăm trẻ em trên toàn thế giới đã thay đổi quan niệm cắt bỏ lách khi chấn thương, nhiều báo cáo tỷ lệ thành công điều trị bảo tồn chấn thương lách tới 90%. Các tiến bộ trong kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính (CT), giúp cho chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương đã làm thay đổi rất nhiều thái độ điều trị bệnh nhân chấn thương lách.
Điều trị bảo tồn có thể là không mổ hoặc mổ nhưng không cắt bỏ lách. Điều trị bảo tồn lách với kỹ thuật làm tắc động mạch lách qua can thiệp nội mạch là kỹ thuật ít xâm lấn được đề xuất trong thời gian gần đây. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện liên quan kỹ thuật này trên khắp thế giới. Năm 1995, Sclafani và cộng sự lần đầu tiên đã thực hiện chụp hình và làm tắc mạch lách thành công đối với bệnh nhân vỡ lách có huyết động ổn định. Kể từ đó, làm tắc mạch lách đã được áp dụng thường xuyên hơn và giúp làm tăng tỷ lệ bảo tồn lách thành công.
Làm tắc mạch lách giúp tăng tỷ lệ điều trị bảo tồn thành công bằng cách chặn đứng sự chảy máu và ngừa vỡ lách muộn, theo một số y văn, tỷ lệ thành công lên đến 97%. Những nghiên cứu gần đây, người ta chỉ định làm tắc mạch lách trong những trường hợp vỡ lách có dấu hiệu thoát mạch trên CT, giả phình mạch hoặc rò động tĩnh mạch, xuất huyết lượng nhiều trong ổ bụng, và vỡ lách nặng từ độ III đến độ V.
Ở Việt Nam, đã có những nghiên cứu về điều trị bảo tồn lách không mổ trong những trường hợp chấn thương lách mà bụng mềm, huyết động ổn định từ những năm 1980. Tuy nhiên đó vẫn là những trường hợp cá biệt. Cho đến nay, chưa có công trình nào đề cập đến điều trị bảo tồn lách với kỹ thuật làm tắc động mạch lách.
Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả đánh giá tính khả thi (tỷ lệ thành công trong bảo tồn lách) và tính an toàn của kỹ thuật tắc mạch lách trong điều trị vỡ lách chấn thương.
Nghiên cứu tiến hành trên 43 bệnh nhân, độ tuổi trung bình là 31,8 ± 12,8 tuổi, trong đó thấp nhất là 23 tuổi và cao nhất là 63 tuổi. Nhóm từ 26 đến 55 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 56,7% cho thấy đa số bệnh nhân vỡ lách do chấn thương bụng kín được làm tắc mạch lách xảy ra ở độ tuổi lao động.
Kết quả nghiên cứu ghi nhận, tỷ lệ thành công của kỹ thuật tắc mạch lách trong điều trị vỡ lách chấn thương là 93% (40/43 bệnh nhân được điều trị bảo tồn thành công); tỷ lệ các biến chứng chung sau can thiệp là 29,7%, đa số là các biến chứng nhẹ, chỉ cần điều trị nội khoa, chỉ có 7% chảy máu tiếp diễn. Các yếu tố cần truyền máu sau làm DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền), tổn thương cực dưới hoặc nhiều hơn một tổn thương trên DSA và kỹ thuật can thiệp đoạn gần là các yếu tố gợi ý có thể thất bại của kỹ thuật làm tắc mạch lách điều trị vỡ lách chấn thương.
Qua đề tài này, nhóm nghiên cứu đã làm chủ quy trình nút mạch lách dưới chụp X quang tăng sáng điều trị vỡ lách chấn thương; bảo tồn được lách, giúp bệnh nhân tránh được phẫu thuật. Chi phí làm can thiệp thấp hơn do kỹ thuật nút mạch sử dụng vật liệu thuyên tắc rẻ hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Tỷ lệ thành công và tai biến tương tự các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)