Nông nghiệp tuy không phải là ngành kinh tế chủ lực của TP.HCM, tuy nhiên các sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò là một phần nguồn cung quan trọng cho địa bàn thành phố và vùng lân cận. Với định hướng phát triển của địa phương, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu trở thành trung tâm giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp (SXNN) của các tỉnh thành phía Nam. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp, chất lượng và số lượng nguồn nước cần phải cung cấp đủ cho các vùng sản xuất vào các tháng trong năm, nhất là vào mùa khô. Trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) khi mực nước biển dâng, xâm nhập mặn ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên nước ngọt, hạn chế khả năng cấp nước cho các hoạt động dân sinh kinh tế khu vực TP.HCM. Theo dự báo, các ranh giới mặn ngày càng tiến sâu hơn vào nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình lấy nước hiện hữu. Do đó, dưới tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và BĐKH, tài nguyên nước khu vực TP.HCM có xu hướng ngày càng suy giảm về trữ lượng, chất lượng cũng như diễn biến bất thường về động thái.
Đề tài nêu trên nhằm đánh giá những tác động của BĐKH đến nguồn nước (số lượng, chất lượng) phục vụ cho SXNN trên địa bàn TP.HCM, đây là luận cứ khoa học quan trọng và là cơ sở trong việc định hướng các giải pháp phù hợp cho phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố trong bối cảnh BĐKH. Các nội dung nghiên cứu được triển khai thực hiện một cách tổng hợp và hệ thống trên cơ sở tổ hợp các phương pháp thích hợp bao gồm từ thu thập, điều tra khảo sát thực địa, giải tích và phân tích thống kê đến mô hình toán kết hợp với công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý).
Theo đó, về thực trạng SXNN, giai đoạn 2014 – 2018, TP.HCM đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với tiềm lực khoa học – công nghệ lớn, thành phố đã hình thành các Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hoạt động có hiệu quả. Về thực trạng các công trình khai thác nguồn nước phục vụ SXNN, phần lớn các công trình này đã được đầu tư tốt, phục vụ có hiệu quả cho SXNN tạo điều kiện phát triển các mặt của nông thôn ngoại thành TP.HCM.
Tiềm năng tài nguyên nước mưa trong khu vực TP.HCM ở mức trung bình với tổng lượng mưa trung bình năm vào khoảng 1.832 mm/năm. Lượng mưa phân bố không đồng đều theo không gian – thời gian với mùa mưa kéo dài 6 tháng (tháng 5 tới tháng 10), chiếm 85% lượng mưa năm, tập trung chủ yếu ở nội thành và thấp hơn ở khu vực phía Nam, Tây Nam của thành phố.
Về tiềm năng số lượng nước mặt, khu vực TP.HCM nói riêng và hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai nói chung có tiềm năng nguồn nước lớn. Cụ thể lượng nước sinh ra ở cả 3 tiểu lưu vực hạ lưu sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ đều đạt trên 1.700 triệu m3/năm (chưa tính đến lượng xả từ các hồ Trị An, Dầu Tiếng và Phước Hòa cho vùng lưu vực). Mùa lũ trên hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai kéo dài 5 tháng (từ tháng 7 – tháng 11, với tổng lượng dòng chảy chiếm 67 – 75% tổng lượng dòng chảy năm).
Về chất lượng nguồn nước mặt, kết quả đánh giá cho thấy chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn TP.HCM đạt ngưỡng trung bình đến tốt với nước sông và đạt mức xấu đến ô nhiễm đối với các tuyến kênh nội ô thành phố theo thang đánh giá WQI (chỉ số chất lượng nước). Tuy nhiên chất lượng nguồn nước này vẫn đủ khả năng cấp cho hoạt động SXNN trong giai đoạn hiện trạng và có dấu hiệu suy thoái. Chất lượng nước tương lai đến năm 2030 có sự suy giảm đáng kể do tác động của hoạt động xả thải từ các nguồn sinh hoạt và sản xuất trên khu vực. BĐKH tác động không nhiều lên chất lượng nguồn nước đến năm 2030.
Mô hình MIKE 11 với các mô đun mưa – dòng chảy (NAM), thủy lực (HD), tải – khuếch tán (AD) và chất lượng nước (Ecolab) đã được thiết lập với hệ số hiệu quả mô hình đạt kết quả tốt phù hợp phục vụ nghiên cứu. Kết quả mô phỏng hiện tượng xâm nhập mặn theo các kịch bản cho thấy so với giai đoạn hiện trạng năm 2017, các ranh mặn đều có xu hướng tiến sâu hơn vào trong đất liền (kịch bản kinh tế xã hội 2030). Khi xét thêm điều kiện BĐKH, các ranh mặn có xu hướng xâm nhập sâu hơn so với kịch bản phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 nhưng mức độ chênh lệch là không nhiều (< 1 km). Như vậy, một số khu vực tại TP.HCM, tiêu biểu là khu vực huyện Nhà Bè, quận Bình Thạnh, một phần khu vực Quận 2, Quận 9, Thủ Đức,… sẽ không còn phù hợp để SXNN nếu sử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông Sài Gòn. Trong điều kiện cực đoan, một phần huyện Hóc Môn có thể bị tác động của hiện tượng xâm nhập mặn.
Trên cơ sở số liệu hiện trạng và quy hoạch kinh tế xã hội vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, tổng NCN (nhu cầu nước) của TP.HCM với các ngành sinh hoạt, nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), công nghiệp, cơ sở y tế, công cộng – dịch vụ vào giai đoạn hiện trạng (năm 2018) là 971,67 triệu m3/năm; giai đoạn 2030 tăng lên 1.216,68 triệu m3/năm; giai đoạn 2030 có tính đến BĐKH là 1.210,46 triệu m3/năm (kịch bản RCP4.5) và 1.214,48 triệu m3/năm (kịch bản RCP8.5). Trong đó, NCN cho sinh hoạt chiếm cao nhất, và tăng lên qua các giai đoạn do dân số ngày càng tăng.
Nhìn chung, BĐKH có tác động lên số lượng nước phục vụ SXNN thông qua việc làm gia tăng tiềm năng nguồn nước mặt sinh ra trên các tiểu lưu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai; giảm NCN ngành trồng trọt thông qua việc giảm định mức tưới cho các loại cây trồng trên các tiểu vùng thủy lợi; gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn (đặc biệt ở ranh mặn 2,5 g/l); từ đó làm thay đổi cân bằng tổng thể nguồn nước phục vụ ngành nông nghiệp (giảm lượng thiếu hụt nguồn nước mặt ở các tiểu vùng thủy lợi khi xem xét với kịch bản tương ứng). Về mặt chất lượng nguồn nước mặt ở các hệ thống thủy lợi chủ yếu bị tác động bởi các nguồn thải sinh hoạt, công nghiệp và SXNN trong khu vực. Tuy nhiên, BĐKH làm gia tăng nhiệt độ và thay đổi lượng mưa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản diễn biến phức tạp, từ đó gây khó khăn hơn cho hoạt động SXNN tại TP.HCM.
Để tăng cường hiệu quả cấp nước của các hệ thống thủy lợi thích nghi với BĐKH và phù hợp với định hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, nhóm nghiên cứu kiến nghị một số giải pháp sau:
- Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống các công trình thủy lợi tại các vùng SXNN. Duy tu, nạo vét nhằm đảm bảo khả năng cấp nước của các hệ thống đặc biệt là ở các tiểu vùng Nam Bình Chánh – Nhà Bè và Cần Giờ.
- Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý và vận hành các công trình cấp nước nhằm thích ứng với nền nông nghiệp thông minh.
- Quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với từng đặc trưng từng vùng và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
- Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại nhằm giảm lượng thất thoát, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
- Tăng cường công tác bổ cập nguồn nước dưới đất từ nguồn nước mưa nhằm gia tăng lượng ẩm trong đất, giảm nhu cầu nguồn nước tưới trong bối cảnh BĐKH làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan.
- Chú trọng công tác kiểm soát nguồn thải tại các khu vực tỉnh Long An giáp với TP.HCM và các vùng có hoạt động sản xuất tại các tiểu vùng thủy lợi.
- Tăng cường công tác hợp tác liên tỉnh trong công tác kiểm soát chất lượng nguồn nước trong SXNN nói riêng và lĩnh vực cấp nước nói chung.
- Ở những vùng hiện còn khai thác nước dưới đất đề xuất chuyển đổi sang các nguồn nước thay thế như nước mặt/nước mưa hoặc nước thủy cục. Riêng đối với vùng Cần Giờ vẫn cho phép khai thác hạn chế nguồn nước dưới đất và sử dụng các giải pháp trữ nước mưa ở vùng này.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)