Các nguồn nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM hiện đang được khai thác sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; tưới, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải thủy, tạo cảnh quan môi trường, tiếp nhận và đồng hóa chất thải,… Mỗi mục đích sử dụng như vậy đều góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường của Thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay, giá trị kinh tế của các nguồn nước này chưa được nhìn nhận và đánh giá một cách đầy đủ, khách quan. Nhiều nhà quản lý ở cấp vĩ mô đang cần những thông tin đúng đắn về tỷ lệ % của giá trị nguồn nước tham gia trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP.HCM cũng như giá trị tăng trưởng trong các ngành dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp của Thành phố để điều chỉnh các chính sách quản lý tài nguyên môi trường phù hợp hơn nhằm đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Việc định giá giá trị kinh tế của các nguồn nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay do sự kết hợp của bốn yếu tố chính: sự khan hiếm nước ngày càng gia tăng; tính cạnh tranh trong khai thác sử dụng nước ngày càng cao; các ngoại tác do ô nhiễm môi trường ngày càng tràn lan và trầm trọng; nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành nước ngày càng hạn hẹp.
Với đề tài này, nhóm nghiên cứu đã phân loại và làm rõ các loại hàng hóa và dịch vụ được cung cấp bởi tài nguyên nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn Thành phố (làm rõ bản chất của khái niệm “Nước là một hàng hóa kinh tế” phù hợp với điều kiện cụ thể của TP.HCM); xây dựng được “Khung khái niệm” về giá trị kinh tế của các nguồn nước mặt và nước dưới đất phù hợp trong điều kiện cụ thể của TP.HCM: gồm các thành phần cấu thành nên tổng giá trị kinh tế (TEV) của tài nguyên nước mặt và nước dưới đất (các giá trị sử dụng và các giá trị phi sử dụng), các loại giá trị chính của tài nguyên nước (bao gồm các giá trị bên ngoài dòng chảy, bên trong dòng chảy và nước dưới đất).
Các tác giả cũng đã tính toán, lượng giá bằng tiền giá trị kinh tế của các nguồn nước mặt và nước dưới đất trong phát triển kinh tế – xã hội hiện tại của TP.HCM (tập trung vào các giá trị sử dụng có tiêu thụ của tài nguyên nước, gồm: sử dụng cho sinh hoạt đô thị và nông thôn, sử dụng cho công nghiệp và dịch vụ, sử dụng cho nông nghiệp; sử dụng cho vận tải thủy, sử dụng cho giải trí, cảnh quan và môi trường, sử dụng như là dịch vụ tiếp nhận và đồng hóa chất thải). Đồng thời tính toán dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nước mặt và nước dưới đất đáp ứng các chỉ tiêu quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường của TP.HCM đến năm 2025; ước tính giá trị kinh tế của các nguồn nước mặt và nước dưới đất trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM đến năm 2025, tập trung vào các giá trị sử dụng.
Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được tầm quan trọng và sự đóng góp của các nguồn nước mặt và nước dưới đất trong tăng trưởng GDP và cơ cấu kinh tế của TPHCM. Theo đó, ngành công nghiệp chỉ sử dụng 2,58% tổng lượng nước khai thác sử dụng của Thành phố nhưng đóng góp 24,93% trong GDP thực và 50,59% tỷ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Ngược lại, ngành nông-lâm-ngư nghiệp sử dụng đến 44,13% tổng lượng nước khai thác sử dụng của Thành phố nhưng chỉ đóng góp 0,83% trong GDP thực và 0,38% tỷ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Ngành dịch vụ sử dụng 53,29% tổng lượng nước khai thác sử dụng, đóng góp 58,14% trong GDP thực và 49,03% tỷ lệ lao động làm việc. Điều này khẳng định cơ cấu kinh tế của Thành phố đang đi đúng hướng: tập trung vào 2 mũi nhọn chiến lược là dịch vụ và công nghiệp vì chúng cùng nhau đóng góp 83,07% GDP, giải quyết 99,62% lao động nhưng chỉ sử dụng 55,87% tổng lượng nước khai thác sử dụng.
Đề tài đã xây dựng và áp dụng thử nghiệm 2 chỉ số đánh giá tính bền vững trong khai thác sử dụng các nguồn nước mặt và nước dưới đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM là chỉ số cường độ sử dụng nước trong nền kinh tế và chỉ số năng suất nước. Kết quả, cả 2 chỉ số này đều cho thấy các thứ tự ưu tiên trong sử dụng nước của Thành phố là: (1) công nghiệp và xây dựng, (2) chăn nuôi, (3) dịch vụ, (4) nuôi trồng thủy sản, và (5) trồng trọt.
Nhóm tác giả cũng đề xuất các giải pháp tổng hợp, khả thi để quản lý, khai thác sử dụng hợp lý và bền vững các nguồn nước mặt và nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM: thiết lập các ưu tiên dùng nước trong những điều kiện thiếu hụt nước; quản lý nước về mặt cung và cầu (quản lý cung cấp nước, quản lý nhu cầu về nước); kiểm soát ô nhiễm các nguồn nước; cải tiến chính sách tính giá nước hướng đến các mục tiêu thu hồi chi phí đầy đủ đối với các dịch vụ ngành nước (về nguyên tắc tính giá nước, thu hồi chi phí của các dịch vụ nước); những đề xuất về điều chỉnh biểu giá tính thuế tài nguyên nước phù hợp trong điều kiện cụ thể của TP.HCM; các giải pháp/cơ hội để cải thiện năng suất nước (tăng hiệu quả nước bởi những người sử dụng riêng lẻ, giảm thất thoát nước trong hệ thống, tăng cường tái sử dụng nước); các giải pháp hỗ trợ khác (về mặt tổ chức, về giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)