SpStinet - vwpChiTiet

 

Tác động của chi tiêu công, thể chế công đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ chủ trì thực hiện, ThS. Lê Hoàng Anh làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Về mặt lý luận, trong nhiều thập kỷ qua, ảnh hưởng của chi tiêu công (CTC) đến tăng trưởng kinh tế đã được nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy, tại hầu hết các quốc gia, CTC được sử dụng như một công cụ của chính sách tài khóa nhưng tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế vẫn là một vấn đề đang tranh cãi. Một số nghiên cứu cho rằng CTC có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế; một số khác lại cho rằng CTC có tác động tiêu cực hoặc không có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, khi các quốc gia thâm dụng phần lớn các yếu tố này thì tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại hoặc thậm chí giảm dần.

Về mặt thực tiễn, CTC cũng có những tác động khác nhau đến tăng trưởng kinh tế. Tại các quốc gia đang phát triển như ASEAN+3, quy mô CTC có xu hướng tăng dần qua các năm, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của các dịch vụ công cộng như giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng hay cở sở hạ tầng.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đặt mục tiêu đánh giá lại tác động của CTC đến tăng trưởng kinh tế để có thể rút ra được kết luận phù hợp với điều kiện của các quốc gia ASEAN+3. Ngoài ra, để có được bằng chứng toàn diện hơn, các tác giả cũng tiến hành xem xét tác động phi tuyến của CTC và các thành phần CTC đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tiến hành 4 nội dung: đánh giá tác động của CTC đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3; xác định các nhân tố đại diện cho các thành phần của thể chế công tại các quốc gia ASEAN+3; đánh giá tác động của thể chế công đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3; đánh giá tác động của thể chế công lên mối quan hệ giữa CTC và tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3.

Theo đó, việc gia tăng CTC sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu của Barro (1990) và Nurudeen & Usman (2010). Nguyên nhân của kết quả này là do việc gia tăng CTC sẽ dẫn đến việc gia tăng thuế và\hoặc gia tăng vay nợ nước ngoài để tài trợ CTC. Điều này sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy CTC không có tác động phi tuyến đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả ước lượng các mô hình nghiên cứu còn chỉ ra ảnh hưởng rõ nét của khủng hoảng tài chính đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3. Thậm chí, trong điều kiện khủng hoảng tài chính, việc gia tăng CTC sẽ gây ra các tác động tiêu cực hơn đến nền kinh tế. Mặc dù CTC tổng thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3 nhưng khi xem xét tác động của từng thành phần CTC đến tăng trưởng kinh tế, kết quả cho thấy CTC cho sức khỏe và cho quốc phòng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, chi tiêu dùng chính phủ và CTC cho giáo dục có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3. Nghiên cứu cũng nhận thấy sự ảnh hưởng của GDP bình quân đầu người kỳ trước, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ vốn đầu tư tư nhân trên GDP, tỷ lệ lực lượng lao động, độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3.

Về các nhân tố đại diện cho các thành phần của thể chế công tại các quốc gia ASEAN+3, nhóm xác định 3 nhân tố gồm: WGI (chỉ số quản trị toàn cầu) đại diện cho các biến quan sát tiếng nói và trách nhiệm giải trình, hiệu quả của chính phủ, chất lượng các quy định, Nhà nước pháp quyền, kiểm soát tham nhũng; ICRG (chỉ số đánh giá rủi ro quốc gia); nhân tố PV (Political stability and Absence of Violence) đại diện cho ổn định chính trị và không có bạo lực.

Về tác động của thể chế công đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3, việc gia tăng thể chế công sẽ tạo ra tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc đảm bảo một nền chính trị ổn định và không có bạo lực sẽ có tác động lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là giúp cho các thành phần kinh tế hoạt động tốt hơn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, việc ổn định chính trị và không có bạo lực cũng là nền tảng cho việc cải thiện các tiêu chí khác bao gồm tiếng nói và trách nhiệm giải trình, hiệu quả của chính phủ, chất lượng các quy định, Nhà nước pháp quyền, kiểm soát tham nhũng.

Về tác động của thể chế công lên mối quan hệ giữa CTC và tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3, nhóm tác giả đưa vào mô hình các biến tương tác giữa thể chế công và CTC. Kết quả cho thấy, trong điều kiện thể chế công tốt, việc gia tăng CTC tổng thể sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả này cũng thống nhất với cả ba biến đại diện cho thể chế công là ICRG, WGI, PV. Như vậy, có thể thấy nếu các quốc gia ASEAN+3 chỉ đơn thuần gia tăng CTC thì chưa thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để các khoản CTC phát huy hiệu quả, các quốc gia còn cần chú ý đến vấn đề thể chế công tốt.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất các hàm ý chính sách cho Việt Nam. Cụ thể là các nội dung sau:

(1) Hạn chế các khoản CTC không mang lại ảnh hưởng tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Từng bước cơ cấu lại CTC theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng CTC cho sức khỏe, giáo dục và quốc phòng, giảm dần tỷ trọng chi tiêu dùng Chính phủ gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế; rà soát các chính sách an sinh xã hội để bảo đảm sử dụng ngân sách tập trung, có hiệu quả cao, đẩy mạnh thực hiện khoán chi; nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung CTC đầu tư giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài;…

(2) Thúc đẩy thể chế công nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phòng, chống tội phạm, kiên quyết triệt phá những băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, khủng bố; nâng cao tiếng nói và trách nhiệm giải trình của người dân để tạo ra sự minh bạch và nâng hiệu quả của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ; nhận thức đúng bản chất cũng như thấy được ý nghĩa thực sự của việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ, cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động, vấn đề cung ứng dịch vụ công phải đảm bảo tính công bằng, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của người thừa hành công vụ; đảm bảo thực hiện an sinh xã hội song song với phát triển kinh tế; phát hiện và tiêu diệt triệt để tệ nạn quan liêu trong bộ máy hành chính công để làm cho bộ máy hành chính hoạt động tốt hơn,…

(3) Nâng cao chất lượng thể chế công đối với hoạt động CTC. Cần nâng cao tiếng nói và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động CTC; tạo điều kiện cho người dân giám sát một cách hệ thống việc công khai ngân sách và các quỹ tài chính ở mọi cấp. Chính quyền các cấp cần công khai báo cáo hằng năm với các số liệu chi tiết và thống nhất về hoạt động CTC đi kèm với các giải trình cụ thể. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả của Chính phủ trong các hoạt động CTC; những người quản lý và sử dụng ngân sách cần được trao quyền tự chủ hơn trong việc điều hành gắn liền với trách nhiệm và kết quả; phát triển hệ thống thông tin quản lý tài chính và hệ thống kế toán công; nâng cao chất lượng các quy định trong hoạt động CTC; nâng cao hiệu quả chống tham nhũng trong hoạt động CTC;…

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả