SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu áp dụng quy trình xác định phức hợp kháng nguyên bạch cầu người (HLA) độ phân giải cao bằng phương pháp giải trình tự gen

Là đề tài do tác giả Đỗ Đức Minh và cộng sự (Đại học Y dược TP.HCM) thực hiện nhằm chuẩn hóa và áp dụng quy trình định típ kháng nguyên bạch cầu người (HLA) độ phân giải cao bằng phương pháp giải trình tự gen. Từ đó tiến đến làm chủ công nghệ để phục vụ nhu cầu ghép tế bào gốc tạo máu và ghép tạng trong nước.

Hiện nay tại Việt Nam, việc ghép tế bào gốc tạo máu cũng như ghép tạng không còn là điều quá xa lạ. Trong khoảng hai thập kỉ gần đây, việc ghép các tế bào gốc tạo máu được xem là lựa chọn hàng đầu để điều trị khỏi hoàn toàn các bệnh lý huyết học ác tính. Bên cạnh đó, trình độ ghép tạng của Việt Nam gần như đã tiệm cận thế giới. Để phát triển toàn diện kỹ thuật ghép tạng, cần phát triển đồng đều các kỹ thuật chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân, mà định típ HLA là một bước hết sức quan trọng để chuẩn bị bệnh nhân trước ghép nhằm tiên lượng các nguy cơ sau ghép có thể xảy ra. Tuy nhiên, kỹ thuật định típ HLA hiện tại ở Việt Nam vẫn dùng phương pháp khuếch đại DNA bằng chuỗi mồi đặc hiệu (SSP-PCR: sequence-specific primer polymerase chain reaction và SSO-PCR: sequence-specific oligonucleotide polymerase chain reaction). Các kỹ thuật định típ HLA này còn nhiều nhược điểm như độ phân giải thấp, tốn thời gian, không phát hiện hoặc dễ nhầm lẫn trong các trường hợp bệnh nhân mang các alen HLA hiếm, mới,…

Trong khi đó, trên thế giới, việc định típ HLA dựa chủ yếu vào phương pháp xác định trình tự nucleotid bằng phương pháp Sanger hoặc giải trình tự thế hệ mới (SBT: sequence based HLA typing) với độ phân giải có thể chấp nhận trên lâm sàng là 4 chữ số. Đây được xem là phương pháp chính xác và đáng tin cậy nhất hiện nay và là tiêu chuẩn vàng trong việc xác định HLA ở các trung tâm cấy ghép lớn.

Với đề tài trên, nhóm tác giả đã chuẩn hóa và áp dụng thành công hai kỹ thuật giải trình tự, bao gồm giải trình tự thế hệ mới (trên hệ thống máy Illumina Miniseq) và giải trình tự Sanger (trên hệ thống máy ABI 3500) với độ phân giải lần lượt là 6 và 4 chữ số để định típ HLA cho 101 đối tượng tình nguyện tham gia nghiên cứu. Cả 2 phương pháp đều chứng minh được độ chính xác và tin cậy khi so sánh với nhau cũng như so sánh với kết quả ngoại kiểm tại Hoa Kỳ.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện được tổng cộng 28 alen HLA-A, 41 alen HLA-B, 21 alen HLA-C, 28 alen HLA-DRB1, 26 alen HLA-DQB1. Các kết quả định típ và phân tích tần suất các alen HLA lưu hành khá trùng khớp với các nghiên cứu trước đây trên đối tượng người kinh Việt Nam. Tuy nhiên, với độ phân giải trong nghiên cứu này đạt mức 6 chữ số và sử dụng phương pháp giải trình tự thế hệ mới so với mức 4 chữ số bằng phương pháp SSO-PCR của các nghiên cứu đối chứng, ưu điểm này sẽ giúp phát hiện các alen mới hoặc hiếm dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nếu định típ HLA với số lượng mẫu lớn, giá thành của phương pháp giải trình tự thế hệ mới hết sức cạnh tranh và cho thời gian trả kết quả nhanh hơn hương pháp PCR truyền thống.

Kết quả nghiên cứu của đề tài này có thể áp dụng vào thực tiễn lâm sàng, phục vụ cho các đơn vị y khoa có nhu cầu định típ HLA bằng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới độ chính xác cao, như các bệnh viện có thực hiện ghép tạng, ghép tế bào gốc, các đơn vị xây dựng các ngân hàng mô, ngân hàng tế bào gốc. Nhóm tác giả kiến nghị nên sử dụng rộng rãi kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới trên nền tảng Illumina để xây dựng ngân hàng tế bào gốc tạo máu với đầy đủ các thông tin cần thiết, phục vụ cho nhu cầu cấy ghép tại Việt Nam cũng như trao đổi quốc tế.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả