Trong ba thập niên qua, y học đã có nhiều tiến bộ trong tầm soát và chẩn đoán trước sinh, phát hiện sớm các dị dạng lệch bội nhiễm sắc thể bẩm sinh. Các xét nghiệm tầm soát nhằm nhận diện các thai phụ có nguy cơ cao mang thai dị tật trong cộng đồng, hoàn toàn không xâm lấn, an toàn cho bà mẹ và thai. Phương pháp phổ biến như siêu âm đo độ mờ da gáy, các xét nghiệm sinh hoá như combined test hay double test, triple test, hay integrated test,… tuỳ theo tuổi thai. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện chỉ dao động từ 65-94% với tỷ lệ dương tính giả có thể từ 5-7% tùy theo phương pháp tầm soát, dẫn tới nhiều trường hợp bị làm thủ thuật lấy mẫu xâm lấn để xét nghiệm chẩn đoán “oan uổng”.
Năm 2003, với sự ra đời của công nghệ giải trình tự thế hệ thứ 2 (giải trình tự song song hàng loạt – massive parralell sequencing) đã mở ra một kỷ nguyên mới giúp giải trình tự cả bộ gen người dễ dàng và hạ giá thành. Sự kết hợp công nghệ giải trình tự thế hệ 2 và thuật toán mang tính đột phá trong lĩnh vực tin sinh học (bioinformatics) để phân tích những đặc điểm của cffDNA trong máu mẹ đã cho ra đời xét nghiệm NIPT vào năm 2011 với độ nhạy và độ chính xác lớn hơn rất nhiều các phương pháp tầm soát truyền thống. Tại Việt Nam, hầu hết các trường hợp muốn thực hiện xét nghiệm NIPT thường phải gửi mẫu ra nước ngoài. Vài năm gần đây, một số đơn vị đang bắt đầu triển khai xét nghiệm NIPT tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa xét nghiệm mới vào trong cộng đồng cần phải có những nghiên cứu đánh giá bước đầu.
Trong đề tài nêu trên, nhóm tác giả đã đánh giá được hiệu quả tách chiết cfDNA từ máu mẹ của một số bộ kit thương mại và chứng minh sự hiện diện của cffDNA được tách chiết trong máu mẹ. Theo đó, bộ kit tách chiết MagMaxTM Cell-Free DNA Isolation dựa trên công nghệ hạt từ phù hợp cho tách chiết cfDNA từ huyết tương. Sự hiện diện của cffDNA trong máu mẹ được chứng minh qua quy trình tối ưu hóa qMSP phát hiện tình trạng methyl hoá gen RASSF1A trên DNA thai.
Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận giá trị chung của quy trình NIPT trên hệ thống giải trình tự IonS5XL trong phát hiện sớm một số lệch bội nhiễm sắc thể có độ nhạy đạt 97,1% (95%CI: 85,1–99,9) và độ đặc hiệu đạt 100% (95%CI: 95,9–100). Trong đó, phương pháp NIPT có độ nhạy đạt 100% (95% CI: 73,5–100) và độ đặc hiệu đạt 100% (95%CI: 95,6–100) đối với phát hiện lệch bội T21 (bất thường nhiễm sắc thể 21), tương ứng đó là giá trị tiên đoán dương và giá trị tiên đoán âm đều đạt 100%. Phương pháp NIPT có độ nhạy đạt 92,8% (95%CI: 58,7–99,8) và độ đặc hiệu đạt 100% (95%CI: 95,6–100) đối với phát hiện lệch bội T18 (bất thường nhiễm sắc thể 18), trong đó giá trị tiên đoán dương đạt 100% và giá trị tiên đoán âm đạt 99,09%. Phương pháp NIPT có độ nhạy đạt 100% (95%CI: 39,8–100) và độ đặc hiệu đạt 100% (95%CI: 95,9–100) đối với phát hiện lệch bội T13 (bất thường nhiễm sắc thể 13), tương ứng đó là giá trị tiên đoán dương và giá trị tiên đoán âm đều đạt 100%.
Bên cạnh đó, cân nặng thai phụ và tuổi thai có ảnh hưởng tới độ chính xác của kết quả NIPT. Tình trạng lệch bội bán phần nhiễm sắc thể dạng khảm có thể không phát hiện được bằng phương pháp NIPT.
Như vậy, NIPT được kỳ vọng sẽ được ứng dụng rộng rãi như một xét nghiệm tầm soát thường quy, dần thay thế các xét nghiệm tầm soát sinh hóa hiện tại. Với những thai phụ nguy cơ cao mang thai lệch bội nhiễm sắc thể, nếu không thể thực hiện thủ thuật chẩn đoán xâm lấn thì NIPT được xem là một giải pháp thay thế tối ưu. Qua đề tài này có thể hướng đến phối hợp với các đơn vị (bệnh viện sản hay phòng khám sản) thực hiện việc triển khai NIPT phục vụ nhu cầu của các thai phụ mang thai nguy cơ cao không muốn thực hiện thủ thuật xâm lấn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)