Nghiên cứu qui trình phân lập, nuôi cấy, biệt hóa tế bào gốc tủy xương, hướng đến ghép điều trị bệnh lý tổn thương xương
23/03/2020
KH&CN trong nước
Trong đề tài này, các tác giả Trần Công Toại, Phan Kim Ngọc và cộng sự (trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nghiên cứu sử dụng san hô làm khung xương mang các tế bào gốc tự thân được thu nhận từ tủy xương để tạo ra những mảnh ghép thay xương dùng trong ghép điều trị cho những trường hợp khuyết xương, hướng đến ứng dụng ghép tự thân nguyên bào xương trên giá thể san hô ở người bệnh cần ghép xương.
Ngày nay, nhu cầu sử dụng mô xương để ghép điều trị trong các trường hợp khuyết hổng hoặc các bệnh lý dẫn đến tổn thương xương là rất lớn. Các loại mô xương ghép tự thân, đồng loài và dị loài đã được sử dụng để đáp ứng nhu cầu ghép xương ngày càng gia tăng của người bệnh.
Tuy nhiên, các loại mô xương ghép hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh, mặt khác, việc sử dụng các nguồn mô xương trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Từ đó đặt ra nhu cầu cho các nhà nghiên cứu, các nhà lâm sàng làm thế nào để chế tạo ra một loại vật liệu có khả năng dùng để ghép thay mô xương. Những loại vật liệu dùng để ghép thay xương hiện tại đòi hỏi không những đáp ứng được các yêu cầu của vật liệu ghép thay xương truyền thống mà còn phải mang được các tế bào có khả năng tạo xương để thúc đẩy tiến trình lành xương nhanh và hiệu quả hơn. Một trong những loại vật liệu sinh học được sử dụng phổ biến trong ghép thay xương là những hợp chất có canxi, một trong số đó là san hô biển.
Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả đã thiết lập được quy trình phân lập, nuôi cấy và định danh được các tế bào gốc trung mô thu nhận từ tủy xương người theo quy trình đơn giản, hiệu quả và được đánh giá theo các tiêu chí quốc tế. Thiết lập được quy trình tạo mảnh ghép thay xương từ sự kết hợp của tế bào gốc trung mô thu nhận từ tủy xương và khung san hô. Mảnh ghép được đánh giá theo các tiêu chí như khả năng bám dính, khả năng tăng trưởng và sự phân bố của tế bào trên mảnh ghép.
Từ đó, nhóm xây dựng thành công mô hình động vật (thỏ) ghép tự thân nguyên bào xương trên giá thể san hô, xác định tính chất lành xương bằng hình ảnh X-quang học và mô học mảnh ghép trên thỏ. Kết quả cho thấy, trên nhóm thỏ được ghép mảnh ghép có mang các nguyên bào xương tự thân thì kết quả tái tạo mô xương mới xảy ra nhanh hơn và chất lượng liền xương tốt hơn nhiều khi so sánh với nhóm thỏ đối chứng chỉ có mang khung san hô tại thời điểm ghép một tháng và ba tháng.
Đề tài cũng thực hiện một số ca ghép trên các bệnh nhân tình nguyện có các tổn thương khuyết xương hoặc các bệnh lý dẫn đến tổn thương xương (hoại tử vô trùng chỏm xương đùi) có các chỉ định được ghép xương. Kết quả ghép mảnh ghép cho thấy, mảnh ghép dung nạp tốt vào cơ thể, không có các trường hợp mảnh ghép chống vật chủ xảy ra cũng như không gây ra các phản ứng bất thường trên cơ thể người bệnh. Kết quả của đề tài góp phần tạo ra các mảnh ghép thay xương hiệu quả hơn các loại vật liệu ghép xương truyền thống, phục vụ nhu cầu ghép xương ngày càng gia tăng của người bệnh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)