SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản vùng ngập mặn ở huyện Cần Giờ TP.HCM

Đề tài do tác giả Huỳnh Minh Sang và cộng sự (Viện Hải dương học) thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng nguồn lợi, khai thác nguồn lợi và đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý làm cơ sở cho các chính sách quản lý nguồn lợi thủy sản rừng ngập mặn ở huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu thực hiện 6 chuyên đề gồm hiện trạng sinh kế của ngư dân vùng rừng ngập mặn Cần Giờ; hiện trạng nghề khai thác thủy sản vùng Cần Giờ; hiện trạng nguồn lợi thủy sản rừng ngập mặn Cần Giờ; đánh giá chất lượng môi trường nước vùng rừng ngập mặn Cần giờ; đánh giá một số tác động đến nguồn lợi thủy sản vùng Cần Giờ; đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản vùng Cần Giờ.

Theo đó, trình độ học vấn của người dân khai thác thủy sản ở huyện Cần Giờ tương đối thấp, đa số người tham gia khai thác có thêm công việc phụ. Thu nhập bình quân của một người tham gia khai thác thủy sản là 84 triệu đồng/năm. tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại Cần Giờ trong những năm gần đây có chiều hướng giảm trong khi tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng. Tỷ suất lợi nhuận của các mô hình nuôi chính ở Cần Giờ tương đối cao, nhất là hai đối tượng giữ vai trò chiến lược trong cơ cấu nuôi trồng thủy sản của huyện là tôm sú và tôm thẻ. Nghề đáy sông và nghề lưới rê các loại chiếm ưu thế trong các nghề khai thác. Phương tiện đánh bắt chủ yếu ở huyện Cần Giờ là các tàu thuyền cỡ nhỏ có công suất < 33 CV, hoạt động chủ yếu ở trong sông rạch và cửa sông. Đối tượng đánh bắt cũng đa dạng bao gồm các loài cá nổi như cá cơm, moi, ruốc. Ngoài ra, tàu còn sử dụng lưới kéo có gọng để đánh bắt tôm cá ở tầng đáy.

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận được 129 loài thuộc 89 giống, 42 họ, 13 bộ trong thành phần loài khai thác ở Cần Giờ. Cá tạp chiếm khoảng 40% trong sản lượng khai thác của các nghề khai thác. Ghi nhận được 35 họ nguồn giống thuộc 3 bộ và dưới bộ động vật giáp xác. Xác định được trứng cá của 6 họ thuộc 4 bộ, thành phần thuộc các nhóm cá nổi và cá đáy ven bờ, ưu thế là họ cá Trỏng (Engraulidae), cá Trích (Clupeidae). Cá bột có 23 họ được xác định, ưu thế thuộc về họ cá Bống (Gobiidae), cá Đèn lồng (Blennidae), cá Sơn biển (Ambassisidae), cá Cơm (Stolephorus), cá Trích (Clupeidae),…

Chất lượng nước tại Cần Giờ tương đối thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên do nhiều tác động từ con người đã khiến một số yếu tố môi trướng nước biến đổi theo chiều hướng kém đi. Hoạt động khai thác hiện tại có tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản ở vùng rừng ngập mặn Cần Giờ. Tàu thuyền khai thác có công suất nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, ngư cụ khai thác có kích thước mắt lưới nhỏ. Đặc biệt là các nghề khai thác hủy diệt.

Các giải pháp kỹ thuật, giải pháp kinh tế xã hội nghề cá, giải pháp cơ chế chính sách, giải pháp tuyên truyền giáo dục cộng đồng nhằm sử dụng hợp lý và bền vững nguồn lợi thủy sản ở vùng rừng ngập mặn Cần Giờ đã được đề xuất nhằm sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản ở Cần Giờ. Theo đó, các giải pháp về kỹ thuật như mùa khai thác, kích thước khai thác, phương tiện khai thác, kích thước mắt lưới khai thác; giải pháp khai thác có trách nhiệm, chính sách trong quản lý nghề cá, tạo sinh kế thay thế cho người dân; giải pháp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đã được đề xuất những nội dung cụ thể.

Ví dụ như cần quy định mùa vụ khai thác và kích thước khai thác dựa vào đặc điểm sinh sản, mùa vụ sinh sản và kích thước sinh sản lần đầu. Hằng năm, chính quyền phải ra quyết định và hướng dẫn thực hiện các quy định này. Mặt khác, cần có những biện pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế và giới hạn số lượng phương tiện đánh bắt còn 1/2 so với hiện nay. Các phương tiện còn lại có thể kiểm định và chuyển đổi phục vụ cho các mục đích khác. Ngoài ra, để góp phần làm giảm áp lực của việc khai thác cạn kiệt nguồn lợi, tại các địa phương cần có những quy định về thời gian và tần suất khai thác, đảm bảo cho sự phát triển của các loài thủy sản, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế cao, cần có biện pháp cấm/hạn chế khai thác trong mùa sinh sản.

Nhà nước và các tổ chức khuyến ngư cần cho ngư dân vay vốn với lãi suất thấp để mua sắm lưới chài và phương tiện đi biển có công suất lớn đủ để đưa nghề khai thác cá ra vùng sâu, xa bờ. Đồng thời giảm lượng tàu thuyền nhỏ đang hoạt động trong vùng nước quá nông như hiện nay. Đối với người dân sống ven biển ngành nghề chính là khai thác thuỷ sản, cần xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp, hỗ trợ về tài chính, điều kiện đối với việc chuyển đổi nghề nghiệp để các chủ tàu và bà con ngư dân yên tâm đồng thời đảm bảo đời sống việc làm cho bộ phận dân cư làm nghề khai thác hải sản. Đồng thời quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản ở Cần Giờ theo định hướng cung cấp các dịch vụ du lịch và bổ trợ du dịch.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả