SpStinet - vwpChiTiet

 

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo viên dạy học sinh khiếm thị bậc tiểu học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt

Đề tài do tác giả Hoàng Thị Nga và cộng sự (Đại học Sư phạm TP.HCM) thực hiện nhằm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo viên dạy học sinh khiếm thị bậc tiểu học tại các cơ sở giáo dục đặc biệt làm tiền đề cho việc xây dựng bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên giáo dục đặc biệt và các công cụ đánh giá giáo viên giáo dục đặc biệt khác, từ đó có căn cứ xác định chuẩn đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt .

Việc đánh giá năng lực giáo viên dựa trên chuẩn nghề nghiệp là một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của chuyên ngành đánh giá và đo lường trong giáo dục ở nước ta. Giáo viên ở tất cả các cấp học hiện nay đã có mốc để dựa vào đó mà biết mình hiện đang đứng ở đâu, còn thiếu những gì. Điều này gia tăng ý thức và động cơ phát triển nghề nghiệp của giáo viên, cũng chính là mục đích quan trọng nhất của đánh giá giáo viên. Tuy nhiên, việc đánh giá giáo viên dạy học sinh khuyết tật nói chung và giáo viên dạy học sinh khiếm thị nói riêng đang đứng trước những khó khăn và thách thức. Giáo viên dạy trẻ khiếm thị tiểu học phải áp dụng chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học hiện nay để đánh giá năng lực của mình, điều này rất “khập khiễng” bởi các tiêu chí của chuẩn này vốn dĩ không phải để đánh giá năng lực nghề nghiệp của họ.

Qua nghiên cứu cơ sở lí luận về quy trình xây dựng hệ thống đánh giá giáo viên kết hợp với thực tiễn đánh giá giáo viên tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã xác định được quy trình xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá giáo viên dạy học sinh khuyết tật bậc tiểu học gồm 7 bước: hình thành nhóm chuyên gia; tham khảo kinh nghiệm trong nước và ngoài nước; xác định mục đích của việc xây dựng bộ tiêu chí; xây dựng bộ tiêu chí; lấy ý kiến đóng góp cho bộ tiêu chí; thử nghiệm sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá giáo viên; chỉnh sửa, hoàn thiện bộ tiêu chí.

Bộ tiêu chí được xây dựng gồm 2 lĩnh vực phẩm chất và năng lực, trong đó, lĩnh vực phẩm chất có 2 tiêu chuẩn, cụ thể hóa thành 8 tiêu chí và lĩnh vực năng lực có 8 tiêu chuẩn, cụ thể hóa thành 32 tiêu chí, tổng cộng có 40 tiêu chí, mỗi tiêu chí gồm 2 chỉ báo. Theo đó, bộ tiêu chí có tất cả 80 chỉ báo/chỉ số, mỗi chỉ báo có 3 mức độ đánh giá từ cơ bản đến nâng cao; được bổ sung, chỉnh sửa cập nhật nhiều lần. Bộ tiêu chí đã được thử nghiệm tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM) và Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Đồng Nai. Kết quả cho thấy việc xây dựng bộ tiêu chí là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hoàn toàn khả thi.

Khi xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo viên dạy học sinh khuyết tật bậc tiểu học cần nghiên cứu chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học hiện nay kết hợp với việc phân tích so sánh các cơ sở lí luận về năng lực cốt yếu của người giáo viên dạy học sinh khuyết tật bậc tiểu học. Đồng thời, lưu ý tới sự thay đổi về vai trò của người giáo viên dạy học sinh khuyết tật hiện nay do sự tăng nhanh của nhóm trẻ khiếm thị đa tật. Thêm vào đó, cần nhận thấy những ưu điểm của chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học để có thể kế thừa trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo viên dạy học sinh khuyết tật tiểu học.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả