SpStinet - vwpChiTiet

 

Chọn lọc, nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống in vitro 5 loài lan có giá trị bảo tồn và triển vọng thương mại trong số 45 loài tiếp nhận từ Ucraina

Là tên đề tài do nhóm tác giả Mai Trường, Hoàng Nghĩa Sơn (Viện Sinh học Nhiệt đới) và cộng sự thực hiện nhằm bảo tồn ngoại vi và phát triển các loài lan quý của Việt Nam, góp phần tái tạo nguồn gen lan rừng Việt Nam trong tự nhiên và triển vọng thương mại hóa.

Chương trình hợp tác khoa học giữa Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam với Vườn Thực vật quốc gia Grishko, Kiev, Ucraina (năm 1992) đã điều tra thu thập một số lượng lớn các loài lan rừng hoang dại từ khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Do tầm quan trọng của việc bảo tồn sự đa dạng của các loài lan hoang dại trong tự nhiên, Viện Sinh học Nhiệt đới đã đề xuất đề tài nghiên cứu các điều kiện thích hợp để bảo tồn ngoại vi các giống lan rừng Việt Nam kết hợp với Vườn Thực vật Grishko. Năm 2013, thông qua sự hợp tác hai bên, phía bạn đã chuyển giao bộ mẫu 45 loài lan rừng Việt Nam cho Viện Sinh học Nhiệt đới để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn ngoại vi.

Trước tình hình khai thác tận diệt các loài lan cho mục đích làm cảnh, khai thác làm nguồn nguyên liệu dược như hiện nay, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô, tế bào đối với các loài lan rừng đang nguy cấp, sẽ nguy cấp theo hướng bảo tồn ngoại vi, phục hồi và tái tạo trong tự nhiên là điều cấp thiết.

Với đề tài nêu trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình nhân giống in vitro hoàn chỉnh đối với 5 loài lan rừng có giá trị bảo tồn theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Sách đỏ Việt Nam 2007, gồm: Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl.; Dendrobium nobile Lindl.; Dendrobium daoense Gagnep.; Dendrobium aphyllum (Roxb.) C. Fischer và Dendrobium moschatum (Buch.-Ham.) Sw.

Mẫu đoạn thân kích thước 1,5-2cm của 5 loài lan được khử trùng và tạo nguồn mẫu in vitro bằng phương pháp khử trùng với clorua thủy ngân nồng độ 0,1% trong 5 phút. Mẫu được nuôi trên môi trường MS không chất điều hòa sinh trưởng trong 60 ngày và tỷ lệ mẫu tạo chồi của A. roxburghii đạt 66%, D. nobile 80%, D. daoense 66%, D. aphyllum 60% và D. moschatum 73,33%. Ở giai đoạn nhân nhanh chồi trong thời gian 90 ngày, mẫu cấy của 5 loài lan cho thấy khả năng tạo chồi cao trên môi trường MS có bổ sung BAP, BAP/NAA hoặc TDZ.

Trong các loại giá thể sử dụng cho nuôi trồng 5 loài lan ở điều kiện nhà ươm nilon, dớn mềm (rêu Spaghnum) là tốt nhất cho sinh trưởng của cây ở 180 ngày sau trồng. Tỷ lệ sống cao nhất của loài A. roxburghii đạt 71,66% với chiều cao cây trung bình 6,12 cm và 2,35 lá mới/cây; loài D. aphyllum đạt 92,50% và chiều cao cây trung bình 5,04 cm với 2,19 lá mới/cây; loài D. nobile đạt 75% và chiều cao 3,95 cm với 0,64 lá mới/cây; loài D. daoense đạt 75% và chiều cao cây 5,24 cm với 1,96 lá mới/cây; loài D. moschatum đạt 91,67% và chiều cao cây 5,76 cm với 2,11 lá mới/cây.

Từ kết quả đạt được của đề tài, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao 1.050 cây lan 6 tháng tuổi ở giai đoạn nhà ươm của 5 loài lan nói trên cho Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng) và tổ chức khóa tập huấn “Kỹ thuật vi nhân giống lan rừng Việt Nam và kỹ thuật hậu cấy mô” để cung cấp kỹ năng nghiên cứu độc lập về vi nhân giống lan rừng cho cán bộ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả