Kiểm soát lục bình trên hệ thống kênh rạch tại thành phố Hồ Chí Minh bằng bọ vòi voi Neochetina eichhorniae
22/04/2018
KH&CN trong nước
Sự phát triển ồ ạt của các thảm lục bình hiện nay đã đem lại nhiều tác hại cho môi trường, sinh vật và làm gián đoạn các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn TP.HCM. Nhóm tác giả Lê Khắc Hoàng, Dương Đức Trọng, Võ Thị Thu Oanh (Đại học Nông Lâm TP.HCM) và cộng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu kiểm soát lục bình trên hệ thống kênh rạch tại TP.HCM bằng bọ vòi voi Neochetina eichhorniae với mục tiêu giảm thiểu thiệt hai do sự sinh sôi lục bình gây ra bằng phương pháp kiểm soát sinh học.
Lục bình (Eichhornia crassipes) là loài thực vật thủy sinh, thân thảo, sinh trưởng và sống nổi theo dòng nước, có tốc độ sinh trưởng nhanh, nổi dày trên các hệ thống sông, kênh rạch và hồ nước nên thường gây tắc nghẽn dòng chảy và hư hỏng các phương tiện vận chuyển đường thủy. Ngoài ra, sự phát triển ồ ạt của lục bình trên các kênh rạch trên địa bàn thành phố còn gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi và các ổ dịch bệnh phát triển ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Hiện nay nhiều địa phương cũng đã tiến hành trục vớt lục bình nhưng chưa thật sự hiệu quả do tốc độ sinh trưởng của lục bình nhanh hơn so với tốc độ trục vớt.
Qua quá trình điều tra thành phần thiên địch hại lục bình, các nhà nghiên cứu nhận thấy do chỉ ăn phá và hoàn thành vòng đời trên ký chủ là lục bình nên loài bọ vòi voi Neochetina eichhorniae (có màu nâu đốm xám, dài khoảng 3.8 – 5,0mm, rộng khoảng 1,9 – 2,9mm) đã được chọn để sử dụng như thiên địch tự nhiên hạn chế sự sinh trưởng của lục bình. Ngoài ra, lá hoặc các bộ phận non của lục bình còn là thức ăn ưa thích của bọ vòi voi, thậm chí ở mật độ thả bọ thích hợp, cây không có khả năng ra hoa khi bị bọ gây hại.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm như: định danh và nghiên cứu phạm vi ký chủ của bọ vòi voi; đặc điểm, hình thái sinh học và khả năng đẻ trứng của bọ vòi voi; phóng thích bọ và đánh giá khả năng kiểm soát lục bình. Sau 3 tháng phóng thích 32.000 cặp bọ vòi voi, mật độ 4 cặp bọ/m2 trên diện tích 8.000 m2 lục bình tại rạch Ông Sâu – Quận 12, kết quả cho thấy đã diệt được 75% diện tích lục bình che phủ trên rạch.