SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá khả năng chịu hạn trong điều kiện nhân tạo của một số dòng/giống lạc làm vật liệu phục vụ công tác chọn tạo giống

Nhóm tác giả Phạm Thị Mai, Đồng Thị Kim Cúc,… (Viện Di truyền nông nghiệp) và cộng sự thực hiện đánh giá khả năng chịu hạn của các dòng/giống lạc để làm nguồn vật liệu, phục vụ nghiên cứu chọn tạo giống lạc chịu hạn, góp phần tăng năng suất chất lượng cây lạc trồng ở nước ta.

Nghiên cứu (đăng trên Tạp chí KH&CN Việt Nam, số 12-2017) tiến hành trên 179 dòng/giống lạc (thu thập trong nước và nhập nội từ nước ngoài) bằng phương pháp đánh giá khả năng chịu hạn ở giai đoạn nảy mầm, đánh giá trong điều kiện nhân tạo ở thời kỳ ra hoa rộ, đánh giá mức độ héo và khả năng phục hồi của các dòng lạc khi gây hạn 10 ngày và 3 ngày tưới trở lại. Trong đó có 56 giống lạc nhập nội từ Viện Nghiên cứu cây trồng quốc tế cho vùng nhiệt đới bán khô cằn, 30 dòng nhập nội từ Trung Quốc, 85 dòng thu thập trong nước bao gồm các giống lạc đang được sản xuất ở vùng đất khô hạn tại một số tỉnh phía Bắc như L14, L18, Sen thắt…; các dòng lạc là sản phẩm của các đề tài dự án đã thực hiện của Viện Di truyền nông nghiệp như ĐM1, ĐM2, ĐM3, CNC3, HL11, HL22,…

Kết quả xác định được ở giai đoạn nảy mầm có 24 dòng có khả năng chịu hạn tốt, trong đó có 8 dòng có khả năng chịu hạn rất tốt là ĐM1, ĐM4, ĐM7, HL11, HL22, MHZ, L12, Sen thắt. Đánh giá khả năng chịu hạn trong điều kiện nhân tạo dựa vào độ ẩm cây héo ở giai đoạn ra hoa rộ, đã xác định được 30/179 dòng lạc có khả năng chịu hạn tốt, độ ẩm cây héo đạt dưới 5%. Cũng ở giai đoạn ra hoa rộ và giai đoạn hình thành quả hạt, thí nghiệm đánh giá khả năng chịu hạn dựa vào mức độ héo và khả năng phục hồi của 179 dòng lạc đã xác định được 42 dòng lạc có khả năng phục hồi tốt, chịu hạn cao. Các dòng lạc đã xác định được khả năng chịu hạn nêu trên đều là nguồn vật liệu tốt trong công tác chọn tạo giống lạc chịu hạn.

Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả