SpStinet - vwpChiTiet

 

Áp dụng quy trình pilot sản xuất và đánh giá độ đồng nhất, ổn định mẫu bệnh phẩm giả định mủ, đờm chứa vi khuẩn

Trong nghiên cứu này, các tác giả Trần Hữu Tâm, Nguyễn Thị Thanh Hòa (Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm TP.HCM), Tăng Chí Thượng (Sở Y tế TP.HCM) đã xác định các yếu tố tối ưu tham gia vào quy trình sản xuất các mẫu bệnh phẩm giả định mủ, đờm và sản xuất các mẻ sản phẩm ở quy mô pilot; tiến hành nghiên cứu độ đồng nhất và ổn định của hai mẫu bệnh phẩm giả định nhằm đánh giá khả năng ứng dụng trong việc triển khai chương trình ngoại kiểm tra xét nghiệm vi sinh lâm sàng đối với bệnh cảnh liên quan đến hai dạng mẫu bệnh phẩm giả định này.

Hai mẫu bệnh phẩm giả định chứa vi khuẩn: mẫu mủ (Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa); mẫu đờm (Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn thường trú Streptococcus mitis) được sản xuất từ quy trình nghiên cứu của đề tài ở quy mô pilot đã đáp ứng được tiêu chuẩn đồng nhất và ổn định trong thời gian yêu cầu của mẫu dùng trong ngoại kiểm tra chất lượng vi sinh lâm sàng với thời gian bảo quản 15 ngày ở điều kiện nhiệt độ 25-300C, độ ẩm 75%.

Nhu cầu sử dụng mẫu kiểm chuẩn trong ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm nhằm đánh giá và nâng cao năng lực của các phòng xét nghiệm là rất cần thiết, đặc biệt tại Việt Nam có rất nhiều bệnh mắc phải từ các vi sinh vật. Việc chế tạo các mẫu bệnh phẩm giả định để các phòng xét nghiệm có thể thực hiện nhằm mục đích nâng cao tay nghề, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh là rất quan trọng. Với kết quả nghiên cứu này, cần tiến hành đánh giá tác động của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, điều kiện vận chuyển) trong quá trình gởi mẫu cho các đơn vị tham gia ngoại kiểm. Đồng thời, tiếp tục theo dõi độ ổn định và độ đồng nhất của các mẫu sau 15 ngày nhằm xác định hạn dùng thực tế của mẫu.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4-2015) 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả