Nhận thức, thái độ và thực hành quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất rượu thủ công
17/09/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Tác giả Lâm Quốc Hùng và các cộng sự ở Cục An toàn thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tp. Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu này nhằm mô tả thực trạng về nhận thức - thái độ - thực hành và thực trạng việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất tại cơ sở sản xuất rượu lên men truyền thống trên địa bàn Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu thực hiện khảo sát tại 200 cơ sở sản xuất rượu truyền thống, phỏng vấn 400 người tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống ở Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Kết quả cho thấy, nhận thức, thái độ và thực hành về an toàn thực phẩm và việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ cơ sở, nhân viên trực tiếp sản xuất tại các hộ nấu rượu còn rất thấp. Tỷ lệ người có nhận thức đúng về an toàn thực phẩm, về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là 64,25%; hiểu đúng về điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm 55,75%. Tỷ lệ hiểu đúng về tác hại của việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm ở Hà Nội cao hơn Tp. HCM (83,5% so với 69,0%).
Có 97,0% chủ cơ sở và người sản xuất rượu cho rằng cần quy định về đặt cơ sở các xa nguồn ô nhiễm, 78,25% thấy cần quy định về bố trí khu vực riêng biệt trong sản xuất, 86,5% nhận thức cần trang bị thiết bị giám sát độ rượu và 86,0% thấy cần phải được học tập về kiến thức an toàn thực phẩm. Thực hành đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, 96,75% chủ cơ sở và người sản xuất cho biết có sử dụng nguyên liệu, men rượu có nguồn gốc rõ ràng, 73,5% có kiểm tra nồng độ cồn trong sản phẩm. Chấp hành quy định an toàn thực phẩm, đa số các chủ cơ sở đều chưa được tập huấn và không có giấy xác nhận tập huấn về an toàn thực phẩm (94,5%); có 96,5% số chủ cơ sở chưa được khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất rượu chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và không tiến hành công bố tiêu chuẩn sản phẩm rượu của các cơ sở sản xuất rượu tại các địa phương được nghiên cứu là 99%.
Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất rượu thủ công trong việc thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật, chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rượu thủ công; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4-2014)