Thông tin được bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh trong hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, bảo vệ thương hiệu và các tài sản số trong nền kinh tế số”, do Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 26/4, tại TP. Hồ Chí Minh.
|
Các diễn giả thảo luận về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nên kinh tế số |
Nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, bảo vệ thương hiệu và các tài sản số trong nền kinh tế số” được tổ chức, thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa và chuỗi hoạt động kinh tế số trong khuôn khổ Khung Kết nối Hoa Kỳ - ASEAN, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển thương hiệu và các tài sản số, nhận diện cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số, hỗ trợ DNNVV truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tham gia bền vững vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Sự kiện cũng được phát trực tuyến và được dịch sang tiếng Thái Lan và Indonesia, nhằm chia sẻ thông tin tới các DNNVV trong khu vực ASEAN về vai trò của các tài sản số trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV ảnh hưởng ngày càng lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV, USAID sẽ sàng lọc và lựa chọn DNNVV để triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các DNNVV xây dựng và định vị thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số mã vạch và thúc đẩy đưa sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), qua đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường cho DN. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư và hợp tác giữa các DN trong nước và các DN của Hoa Kỳ.
|
Hơn 200 đại biểu từ các bộ ngành, cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội thảo |
Trong khuôn khổ hội thảo, đại điện các diễn giả từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp giải pháp và nền tảng trực tuyến về thương mại, thanh toán điện tử như: Amazon, Google, Momo, Tiki, KPMG… đã cùng chia sẻ chuyên môn, bài học kinh nghiệm và thảo luận nhiều chủ đề như thanh toán số, TMĐT, bảo mật dữ liệu, truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch và công nghệ blockchain trong xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngoài ra, các DNNVV tham dự hội thảo được các công ty công nghệ, sàn điện tử… tư vấn và kết nối các chương trình hỗ trợ và giải pháp công nghệ cần thiết để tăng tốc áp dụng công nghệ trong xây dựng, bảo vệ tài sản số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cơ hội và thách thức DNNVV trong nền kinh tế số
Tại hội thảo, đối với các vấn đề được các DNNVV quan tâm như sử dụng ví điện tử, thanh toán số, hay các giao dịch xuyên biên giới, phương pháp quản lý va bảo vệ dữ liệu trên môi trường mạng… đã được các diễn giả giải đáp thấu đáo.
|
Doanh nghiệp đặt câu hỏi các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và kinh tế số |
Liên quan đến các nội dung về các luật quy định về thương mại điện tử TMĐT, kinh tế số và các vấn đề cần lưu ý khi giao dịch thanh toán số trên nền tảng TMĐT… được các DNNVV quan tâm, bà Lại Việt Anh cho biết, trong bối cảnh 2 năm gần đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đưa lại những thách thức đồng thời cũng là cơ hội không nhỏ cho các DNNVV, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số. Tác động mà dịch Covid-19 đang mang lại “cú hích” cho kinh tế số bằng 5 - 7 năm cộng lại.
Theo bà Lại Việt Anh, hiện DN đứng trước một yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi số, phải chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến để có thể cạnh tranh và tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, đứng trước những thách thức và cơ hội của kinh tế số mang lại, DNNVV có thể tận dụng được những nền tảng, những giải pháp trọn gói hiện nay của các sàn TMĐT như Amazon, Google, Momo, Tiki để có thể thực hiện được cả một gói chuyển đổi số. Tuy nhiên DN cần phải lưu ý đến những khuôn khổ pháp luật, để thực hiện các hoạt động kinh tế, kinh doanh của mình trong môi trường trực tuyến phù hợp với pháp luật.
Về TMĐT, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số lưu ý, hiện nay DN cần tuân thủ Nghị định 52 về TMĐT và sắp tới đây sẽ là Nghị định 52 sửa đổi. Trong đó đưa ra các khuôn khổ pháp lý, hành lang pháp lý mà DN cần phải tuân thủ và cần đặc biệt lưu ý khi thực hiện hoạt động kinh doanh trong môi trường trực tuyến. Mặt khác, khi DN xây dựng và phát triển thương hiệu cũng như tham gia hoạt động kinh doanh, cần phải tuân thủ quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường kinh doanh trực tuyến…
|
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương trao đổi tại Hội thảo |
Bà Lại Việt Anh nhìn nhận, bên cạnh những cơ hội, thời cơ cho phát triển các DN trong nền kinh tế số, những thách thức cũng không nhỏ. Cụ thể, DN phải đảm bảo được hàng hóa có chất lượng đến với người tiêu dùng; sau khi xây dựng thì phải bảo vệ được thương hiệu trên môi trường trực tuyến và với DNNVV quá trình này khá là khó khăn.
Bên cạnh đó, để nâng được hiệu quả của hoạt động kinh doanh, DN cần sự hỗ trợ của các đơn vị tham gia và các hệ sinh thái như những dịch vụ phụ trợ, dịch vụ thanh toán, dịch vụ logistics… để giá thành sản phẩm được tối ưu hóa, tăng tính cạnh tranh trong môi trường trực tuyến. Đó là những thách thức mà DN đang phải đương đầu.
Theo bà Lại Việt Anh, để hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số thành công cũng như đem lại hiệu quả kinh doanh, Bộ Công Thương đang thực hiện rất nhiều các hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình phát triển TMĐT tử quốc gia hay hoạt động kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, từ những hoạt động hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực DNNVV để giúp, hỗ trợ DN tham gia những sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước, bao gồm: Tiki, Lazada, kể cả sang quốc tế như Amazon, Alibaba… đấy là những hoạt động rất cụ thể để hỗ trợ DN nâng cao được kỹ năng…
Ngoài ra, Bộ Công Thương thực hiện cả những chương trình hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu trên môi trường trực tuyến, trong khuôn khổ cả những hoạt động TMĐT, do Cục TMĐT và Kinh tế số thực hiện cũng như Cục Xúc tiến thương mại hay Cục Xuất nhập khẩu… nhằm hỗ trợ DN tham gia vào những sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước. Qua đó, nâng cao được lượng bán và mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Nguồn: Minh Khuê - congthuong.vn