Trong các hướng nghiên cứu chính về công nghệ in 3D, nghiên cứu sản xuất sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất; kế tiếp là nghiên cứu tạo hình, định hình vật liệu ở trạng thái dẻo; sau đó là tạo hình các sản phẩm từ bột kim loại,... Cũng theo phân tích này, Trung Quốc là quốc gia có số lượng công bố sáng chế dẫn đầu thế giới về nghiên cứu ứng dụng in 3D.
Bên cạnh các thông tin về xu hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D căn cứ theo các sáng chế quốc tế, đại biểu tham dự cũng được nghe TS. Hoàng Xuân Tùng, Khoa Công nghệ vật liệu và ThS. Huỳnh Hữu Nghị, Khoa Cơ khí (Đại học Bách khoa TP.HCM) giới thiệu về các tính năng ưu việt của công nghệ in 3D và tình hình chế tạo máy in 3D tại Việt Nam.
Giới thiệu về nghiên cứu công nghệ in 3D tại Đại học Bách khoa TP.HCM. Ảnh TH.
Về bản chất, công nghệ in 3D áp dụng nguyên lý đắp chồng lớp để tạo sản phẩm. Công nghệ này cho phép các nhà thiết kế tạo ra các mẫu thí nghiệm vật lý chính xác từ mô hình 3D CAD; các chi tiết có độ phức tạp cao với chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp gia công truyền thống. Công nghệ in 3D có thể ứng dụng vào tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống. Trên thế giới, đã có những ứng dụng công nghệ in 3D trong ngành xây dựng để in nhà ở (tuy nhiên, chi phí hiện còn khá cao, khoảng 15.000 USD cho một căn nhà cấp 4, 1 tầng, diện tích 36m2); sử dụng in 3D trong các ngành đòi hỏi độ chính xác, yêu cầu kỹ thuật cao (như ngành hàng không) để in tạo các chi tiết cánh turbin khí, in phủ các lớp composite tạo thân máy bay,...
Các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa TP.HCM đang nghiên cứu công nghệ in 3D sử dụng nhựa pha kim loại, loại nguyên liệu có thể tạo ra được các sản phẩm nghệ thuật sau khi in là tượng giả đồng, các bức phù điêu,...với giá rẻ hơn nhiều so với đồng kim loại. Ngoài ra, hướng nghiên cứu và chế tạo máy in phối nhiều màu cho sản phẩm cũng đang được thực hiện.
Phục vụ cho các nhu cầu học tập, Đại học Bách khoa TP.HCM đã thiết kế chế tạo và thử nghiệm thành công nhiều dòng máy in 3D phổ thông, ví dụ như Repbox-1E, Repbox-2E, DEM, DES, Prum-2E,...trong đó, số đầu đùn tối đa lên đến 3 cái, tốc độ lớn nhất 150 mm/s, nhiệt độ làm việc tối đa 260oC, độ dày lớp in nhỏ nhất 0,1 mm,...
Phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bách khoa đã chế tạo ra máy in 3D có kích thước làm việc 350x350x400 mm để sản xuất các chi tiết lớn. Họ cũng đang có những nghiên cứu ứng dụng in 3D phục vụ ngành đúc, tạo khuôn mẫu và chế tạo các chi tiết máy đơn lẻ. Hướng sắp tới, các dòng máy cỡ lớn, với vật liệu khung máy là nhôm định hình nhắm giảm khối lượng máy và tăng tính chính xác, độ thẩm mỹ cũng sẽ được triển khai thực hiện tại đây.
Các sản phẩm và thiết bị sử dụng công nghệ in 3D trưng bày trong khuôn khổ buổi báo cáo.
Bên cạnh những mẫu vật in 3D và thiết bị in 3D thực tế do Đại học Bách khoa TP.HCM chế tạo, tại buổi báo cáo, các khách mời cũng được chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ in 3D do Siemens AG thực hiện.
"Công nghệ in 3D - Hướng ứng dụng trong tương lai" là chủ đề của báo cáo thứ 5 trong chuỗi 10 báo cáo phân tích xu hướng công nghệ mà Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN phối hợp với các chuyên gia nhiều lĩnh vực tổ chức thực hiện trong năm 2018.
Được biết, vào tuần tới, ngày 27/7/2018, Chương trình báo cáo phân tích xu hướng công nghệ sẽ tiếp tục được tổ chức tại 79 Trương Định, Quận 1, với chủ đề "Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng polymer sinh học trong công nghiệp thực phẩm".
|