Chương trình được Sở KH&CN TP.HCM giao cho Phân viện Chăn nuôi Nam bộ thực hiện nhằm nghiên cứu chọn lọc, lai tạo để tăng năng suất và cải thiện chất lượng giống vật nuôi, công nghệ chăn nuôi để giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.
Theo TS. Lã Văn Kính (Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ), hiện TP.HCM có số lượng heo khoảng gần 300.000 con, trong đó đàn giống cụ kị (giống thuần hạt nhân) chỉ vào khoảng 350 con nái, đàn giống ông bà khoảng 2.500 con, còn lại là đàn nái bố mẹ và heo thương phẩm. Gần đây, một số cơ sở giống khu vực TP.HCM đã bắt đầu nhập heo giống thuần từ Mỹ, Canada,… để sản xuất và cung cấp con giống hậu bị bố mẹ cho các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, quy mô đàn giống thuần còn rất hạn chế, thiếu công nghệ đánh giá di truyền, chọn lọc và nhân giống hiện đại, hiệu quả; chất lượng đàn giống còn hạn chế, tính cạnh tranh thấp,… Để tăng tỷ lệ cung ứng giống đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu của khu vực, cần nâng quy mô đàn cụ kị lên 1.000 nái và đàn ông bà lên 9.000 nái, đồng thời phải cải thiện nhanh năng suất và chất lượng đàn giống này bằng việc ứng dụng các công nghệ gen trong chọn tạo giống và công nghệ thông tin trong quản lý giống.
Ông Phạm Văn Xu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: LV.
Đối với chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa, dê hiện nay năng suất chất lượng con giống đã có nhiều cải tiến, song vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Do đó, cần thiết xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại TP.HCM.
Theo Dự thảo Chương trình, mục tiêu đến năm 2025, chọn tạo và xây dựng được đàn giống heo hạt nhân có năng suất, chất lượng tương đương đàn giống tại các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, năng suất sinh sản tăng 5 - 10%, sinh trưởng tăng 10 - 15%; tăng suất chất lượng con giống gia cầm lên 10 - 15%. Đối với bò thịt, bò sữa và dê, tăng năng suất sinh sản 10% và sinh trưởng 20%. Đối với công nghệ chăn nuôi, xây dựng được quy trình nuôi dưỡng cho các nhóm giống và đưa ra các giải pháp khoa học để tạo được nguồn thức ăn mới, sử dụng thức ăn có sẵn để giảm giá thành chăn nuôi từ 10 - 20%; giảm phát thải nhà kính 10 - 20%, giảm ô nhiễm môi trường, các khí có hại so với chăn nuôi truyền thống.
Dự thảo Chương trình nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: LV.
Một số nội dung nghiên cứu của Chương trình như: nghiên cứu ứng dụng công nghệ di truyền số lượng, di truyền phân tử vào việc đánh giá nguồn gen hiện có; xây dựng hệ thống nhân giống liên kết giữa các đàn giống (cụ kị, ông bà, bố mẹ, thương phẩm) để kiểm soát nguồn gốc và chất lượng con giống; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin năng suất, hệ phả cá thể, kết nối trong từng đàn giống, trại giống phục vụ quản lý đàn, đánh giá di truyền, chọn tạo và nhân giống; nghiên cứu công nghệ chăn nuôi, tiêu chuẩn dinh dưỡng và thức ăn;…
Ông Phạm Văn Xu (Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, với Chương trình này, Sở tập trung vào việc nghiên cứu để có những kết quả, công nghệ mới chuyển giao ứng dụng vào các mô hình chăn nuôi thực tế. Trong quá trình nghiên cứu, Sở KH&CN mong muốn và khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp liên kết với nhau, nhất là việc tham gia đồng đầu tư của doanh nghiệp để rút ngắn thời gian nghiên cứu và chuyển giao kết quả vào thực tiễn. Các nhà khoa học, tổ chức có thể đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp với nội dung của Chương trình. Ban chủ nhiệm Chương trình sẽ xem xét, tư vấn hỗ trợ cho Sở KH&CN TP.HCM cấp kinh phí thực hiện.