SpStinet - vwpChiTiet

 

Thế "chủ động" của người trẻ trong nghiên cứu khoa học: rào cản và giải pháp

Kinh phí, thông tin, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng ứng dụng vào thực tế là những khó khăn chính được các nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ để tìm các giải pháp tháo gỡ tại Tọa đàm “Tuổi trẻ thành phố chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” do Thành Đoàn  TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức vào chiều 22/5/2015.

Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ chương trình chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần 2 năm 2015, và chương trình Tuổi trẻ thành phố xung kích, lao động sáng tạo, làm chủ khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2013-2017. Đây là diễn đàn để học sinh, sinh viên và các nhà khoa học trẻ chia sẻ những khó khăn trong nghiên cứu khoa học (NCKH), đề xuất những hỗ trợ mong muốn với các nhà quản lý KH&CN để thực sự phát huy được tính chủ động trong nghiên cứu, sáng tạo.
 

ThS. Đoàn Thiên Phúc (Đồng sáng lập Công ty Setech Việt) chia sẻ mô hình và phương pháp hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm.


Tại Tọa đàm, phần trình bày của các đại biểu thuộc nhiều khu vực khác nhau, như doanh nhân trẻ, giảng viên, sinh viên và học sinh đã gợi mở những khúc mắc đang hạn chế tính chủ động trong NCKH của người trẻ. Ngoài những khó khăn riêng của từng cá nhân thì vấn đề thiếu kinh phí, khó khăn khi tìm tài liệu, hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn và khả năng ứng dụng vào thực tế là những rào cản chung mà hầu hết các nhà nghiên cứu trẻ vấp phải.

Theo ThS. Huỳnh Thư, Đại học Bách khoa TP.HCM, kinh phí 80 triệu đồng (kể cả chi phí quản lý) cấp cho mỗi đề tài trong chương trình Vườn ươm Sáng tạo KH&CN Trẻ chỉ là con số tượng trưng, khó mà đủ cho một công trình khoa học, dù rất nhỏ. Với em Lê Thái An, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chi phí thực hiện, chẳng hạn để mua nguyên liệu cho thí nghiệm, là trở ngại lớn nhất trong quá trình nghiên cứu. Em cho biết thêm, cơ sở vật chất để học sinh làm nghiên cứu cũng rất hạn chế bởi số trường THPT ở TP.HCM có phòng NCKH hiện nay vô cùng khiêm tốn.

Sau kinh phí, rào cản thứ hai mà các nhà nghiên cứu trẻ gặp phải là việc tiếp cận với các nguồn tài liệu để có thêm thông tin. Ngoài ra, việc định hướng NCKH sao cho bám sát với thực tiễn cũng là một vấn đề, bởi đa phần các bạn trẻ sau khi học xong đã vào làm việc ngay tại các viện, trường, ít có cơ hội tiếp xúc với thực tế và doanh nghiệp. Đây cũng là lý do làm hạn chế khả năng ứng dụng của các nghiên cứu trẻ, sản phẩm làm ra khó tiếp cận với thị trường.

Một số giải pháp đã được các đại biểu trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà nghiên cứu trẻ. Về phía cơ quan quản lý, cần cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi trong quá trình xét duyệt, quyết toán đề tài; linh động khi cấp kinh phí nghiên cứu; tạo điều kiện kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp để đề tài bám sát thực tiễn, hướng dẫn các bạn trẻ phương pháp NCKH; … Bên cạnh đó, bản thân các nhà khoa học trẻ cũng cần nỗ lực để tận dụng lợi ích và sự hỗ trợ từ phía xã hội, doanh nghiệp. Theo TS. Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, “chủ động” phải là thế của người làm nghiên cứu, đặc biệt những người trẻ. Bên cạnh ngân sách Nhà nước,  có thể tìm kiếm thêm những nguồn kinh phí khác (chẳng hạn hình thức huy động vốn xã hội) để làm nghiên cứu, nâng cao năng lực ngoại ngữ để tiếp cận thông tin từ tài liệu nước ngoài; rèn luyện kỹ năng viết đề cương nghiên cứu hiệu quả,… Đó là cách để người trẻ khẳng định sự độc lập của mình trong NCKH.
 
TN

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả