SpStinet - vwpChiTiet

 

Nâng cao nhận thức trong việc giảm nhu cầu sừng tê giác

Đó là nội dung của hội thảo “tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và Tổ chức Humane Society International (HSI) tổ chức ngày 8/8/2014 tại TP. HCM.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc các tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: LV.

Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức về thực trạng và nhu cầu cấp thiết việc bảo tồn tê giác trên thế giới và vai trò của các hội thành viên và các tổ chức khoa học và công nghệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong việc tuyên truyền đến người dân về vấn đề giảm sử dụng sừng tê giác, góp phần vào công cuộc bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác được Cơ quan Quản lý CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và HSI phát động từ tháng 8/2013 và sẽ kéo dài đến năm 2016.

Theo báo cáo của HSI, hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 28.000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Hai trong số năm loài tê giác phân bố ở châu Phi và ba loài còn lại phân bố ở châu Á. Việt Nam là một trong những nước đã từng tồn tại loài tê giác tự nhiên, nhưng cá thể cuối cùng đã bị giết hại vào năm 2010.

Bà Teresa Telecky, Giám đốc bộ phận loài hoang dã của Tổ chức HIS cho biết, vấn nạn săn bắn tê giác trên thế giới rất đáng lo ngại. Trong năm 2013, hơn 1.000 cá thể tê giác đã bị săn trộm ở châu Phi. Hiện nay, bình quân mỗi ngày có 2 cá thể tê giác bị săn trộm. Theo dự báo năm 2014 sẽ có 1500 con và 2015 là 2268 con tê giác bị bắn hạ. Tê giác bị săn trộm để lấy sừng phục vụ cho nhu cầu ở châu Á, trong đó Việt Nam và Trung Quốc đứng đầu thế giới về tiêu thụ sừng tê giác. Với tốc độ săn bắn như hiện nay, chẳng bao lâu nữa loài này sẽ tuyệt chủng.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam), tại Việt Nam, sừng tê giác được đồn đại là giúp cường dương, chữa bách bệnh, tăng sức khỏe… Nhưng thực tế, các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh. Cấu tạo của sừng tê giác đa phần là keratin, giống hoàn toàn móng tay, móng chân, tóc con người, không có các tác dụng kỳ diệu như những lời đồn thổi. Chưa kể, vì lợi nhuận, nhiều người còn rao bán sừng tê giác giả, làm từ sừng trâu, bò và các động vật khác. Việc buôn bán, vận chuyển sừng tê giác và các sản phẩm từ sừng tê giác hiện nay là hành vi bất hợp pháp. Bên cạnh đó, hiện nay ở châu Phi, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã thực hiện biện pháp tiêm các hoá chất độc hại vào sừng tê giác, việc này không gây tác hại đến con vật nhưng có thể gây độc với con người. Vì vậy, việc sử dụng sừng tê giác có thể bị nhiễm độc, nhất là những chiếc sừng tê giác bị lấy trộm từ bảo tàng đều chứa nhiều chất bảo quản độc hại với sức khỏe con người.

Ông Đỗ Quang Tùng, giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho biết, tuyên truyền một cách rộng rãi thông điệp về giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác có vai trò quan trọng để bảo vệ tê giác. Đây là một vấn đề cấp thiết mà cộng đồng toàn cầu cần phải giải quyết. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam hi vọng việc hợp tác với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật sẽ giúp phổ biến, tuyên truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp như tê giác và voi, góp phần vào thực thi CITES hiệu quả ở Việt Nam.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả