Tại hội thảo “Định hướng phát triển cây Jatropha làm nguyên liệu sinh học ở Việt Nam” do Trung tâm hỗ trợ nông dân nông thôn, Hiệp hội doanh nghiệp và trang trại nông dân nông thôn Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức ngày 22/10, các báo cáo chuyên đề đã tập trung phân tích, nêu bật lợi ích của cây Jatropha trong việc sản xuất Biodiesel (dầu Diesel sinh học) và định hướng phát triển cây này.
Theo đó, Jatropha có tên khoa học là Jatropha curcas L., thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae), nguồn gốc từ châu Phi, Bắc Mỹ và vùng biển Caribê. Tại Việt Nam, cây được trồng nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk… với tên gọi là cây dầu lai, cây cọc rào hoặc cậy dầu mè. Jatropha đang được xem là nguồn nguyên liệu dầu Diesel sinh học rất tiềm năng để thay thế dần các tài nguyên nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Loại dầu này giúp giảm thiểu được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đặc biệt không có lưu huỳnh nên rất thân thiện với môi trường. Với nhiều ưu điểm sinh học vượt trội như chu kỳ sống dài (30-50 năm), cho quả, hạt sớm, năng suất cao (10-12 tấn/ha); hàm lượng dầu trong hạt cao (32-35%), năng suất dầu Biodiesel 2500-3000 lít/ha/năm; sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, thoáng khí, có khả năng chịu hạn, thích nghi với cả những vùng đất đai cằn cỗi, đất khó trồng trọt, nghèo dinh dưỡng…, Jatropha góp phần mang lại lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường lâu bền như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ rừng, cải tạo đất; tạo việc làm cho người dân nghèo, từng bước nâng cao thu nhập hộ gia đình; tự túc được một phần đáng kể nhiên liệu đang phải phụ thuộc… Ngoài sản xuất Biodiesel, Jatropha còn được dùng cho sản xuất đèn cầy, xà phòng, các sản phẩm phụ từ quá trình chế biến Biodiesel từ dầu hạt Jatropha (glycerin, acid béo…); bã ép dầu từ Jatropha có là nguyên liệu để sản xuất loại phân hữu cơ cao cấp vì có chứa hàm lượng protein cao và một số hợp chất phòng trừ sâu bệnh… Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển cây Jatropha, nhất là các nước Ấn Độ (có 60 triệu hecta đất trồng cây Jatropha để sản xuất nhiên liệu sinh học), Thái Lan (hiện có 1600 ha Jatropha, dự kiến sẽ tăng lên 320 nghìn ha trong vài năm tới), Trung Quốc, Malaixia, Indonexia, Philippin, Mianma và nhiều nước Châu Phi.
PGS.TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhận định, Việt Nam có nhiều thuận lợi về điều kiện đất đai, thời tiết,… để phát triển cây Jatropha. Việc phát triển cây Jatropha làm nguyên liệu sinh học là một định hướng đúng. Tuy nhiên, tìm kiếm, chọn lọc và phát triển những loại giống cho năng suất thu hạt và dầu cao; tận dụng những bộ phận khác của cây cũng như những sản phẩm phụ từ quá trình chế biến Biodiesel để nâng cao tính hiệu quả kinh tế của cây Jatropha; những nghiên cứu về cây Jatropha, công nghệ chế biến Biodiesel từ dầu hạt Jatropha,… và những chính sách đầu tư, hỗ trợ, định hướng phát triển vùng nguyên liệu, sản phẩm,… là những việc quan trọng cần được thực hiện ngay.
Lam Vân