SpStinet - vwpChiTiet

 

Thủy điện Sông Tranh 2: Khu vực có dị thường trọng lực

Ngày 3/10, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (LHH) đã tổ chức hội thảo "Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiên tai". Theo các nhà khoa học, rất khó đánh giá tình hình động đất tại đây bởi có quá ít dữ liệu. Và trong lịch sử, nơi đây chưa từng có động đất.


Các nhà khoa học thảo luận về động đất Sông Tranh 2 trong hội thảo tổ chức ngày 3/10 tại LHH.

Xác xuất động đất kích thích là 26%

GS. Cao Đình Triều, Hội Khoa học Kỹ thuật Địa lý Việt Nam cho biết, trong lịch sử hoạt động địa chất cho đến trước thời điểm thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, chưa thấy xuất hiện động đất ở khu vực này. Hơn nữa, nghiên cứu cổ động đất ở khu vực Sông Tranh 2 chưa được tiến hành. Do không có số liệu để đánh giá chu kỳ động đất tại đây nên việc đánh giá mức độ động đất ở khu vực này cũng rất khó khăn.

Trong lý thuyết xây dựng hồ chứa, chỉ cần hồ có độ cao trên 10m là có 0,2% xác suất xảy ra động đất kích thích. Hồ chứa cao trên 150m thì có 26% xác suất. Vì thế, việc xảy ra động đất kích thích ở Sông Tranh 2 là bình thường. Nhưng điều đáng quan tâm là những trận động đất này xảy ra không theo một nguyên tắc nào.
 
Đáng lẽ, động đất kích thích phải xảy ra theo chu kỳ hình sin. Nghĩa là bắt đầu bằng những trận có cường độ nhỏ rồi tăng dần cường độ và giảm dần đến kết thúc. Nhưng biểu hiện động đất ở Sông Tranh 2 diễn ra trong thời gian vừa qua lại diễn ra theo hình zích zắc. Điều này thể hiện những bất thường chưa lý giải được.

Theo nghiên cứu của GS. Cao Đình Triều, thủy điện sông Tranh 2 nằm trong đới đứt gãy cấp 2 Trà My. Đới đứt gãy này có chiều dài là 67km. Tại khu vực này có dị thường trọng lực. Biểu hiện của những dị thường này chính là hoạt động địa chất phức tạp, khó đoán.

Động đất cực đại có thể đến 6,6 độ richter

"Từ năm 2002 tôi đã công bố đứt gãy này. Trong bản đồ địa chất cũng đã vẽ rõ ràng các đứt gãy ở Bắc Trà My. Trong đó cũng nói rõ địa chất ở đây có một lớp đá phong hóa rất dày trải dài từ Bắc xuống Nam Trà My. Điều này có nghĩa nền móng của nó rất yếu, dễ gây ra những tai biến về động đất", GS. Cao Đình Triều khẳng định.

Về câu hỏi động đất lớn nhất có thể xảy ra ở khu vực này là bao nhiêu, GS. Cao Đình Triều cho biết, nghiên cứu tổng thể động đất ở khu vực Trung Trung Bộ thì động đất cao nhất có thể xảy ra là 6,3 độ richter. Việc sử dụng phân đoạn đứt gãy để đối chiếu thì động đất cực đại trên từng đoạn đứt gãy là khác nhau.
 
Khu vực thủy điện Sông Tranh 2, động đất cực đại là 5,9 độ richter. Còn động đất tại Bắc Trà My thì có thể lên tới 6,1 độ richter. Tổng kết trung bình của các đới đứt gãy thì khu vực Trung Trung Bộ có động đất cực đại từ 5,0 - 6,6 độ richter. Đứt gãy này ảnh hưởng trực tiếp đến lòng hồ và thủy điện. Khi tích nước hồ, khả năng lớn là xảy ra động đất với cường độ là 5,5 - 6,0 độ richter.

TS. Phạm Tấn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia đã trực tiếp vào khảo sát tại huyện Bắc Trà My nhìn nhận: "Thủy điện Sông Tranh 2 đặt không đúng chỗ, nằm trên các thành tạo granite phức hệ Bến Giăng - Quế Sơn. Thân đập nằm trực tiếp trên đứt gãy đang hoạt động Bắc Trà My chạy theo hướng Đông Tây, có nghĩa là nằm trên đới cà nát granite, một yếu tố quan trọng đóng góp vào động đất kích thích ngoài những yếu tố khác như áp suất, lỗ hổng trong quá trình tích nước.
 
Báo cáo "Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại" do GS. Cao Đình Triều, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Địa lý Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) thực hiện từ tháng 4/2012, với sự tham gia của 7 nhà khoa học trong các lĩnh vực địa chất, thủy điện, động lực học. Cùng với nghiên cứu này, LHH cũng đã thành lập hội đồng khoa học để đánh giá tình hình động đất tại Sông Tranh 2 và đề xuất các biện pháp giảm nhẹ thiên tai.

Nguồn: kienthuc.net.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả