Trong thế kỷ XXI này, cả thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người. Những thách thức này càng trở nên gay gắt hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu... Việt Nam sẽ chịu tác động của những thách thức đó ở mức độ nào? Để giải quyết bài toán này, theo tác giả, một trong những giải pháp là Việt Nam cần nắm bắt được vận hội để phát triển công nghệ sinh học thành một lĩnh vực kinh tế kỹ thuật trọng điểm đạt trình độ tiên tiến.
Trong khi đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dành cho xây dựng và phát triển nhà ở, công nghiệp và các công trình khác với tỷ lệ 3-5%/năm, thì dân số vẫn tiếp tục tăng. Theo dự báo, đến 2050 nước ta sẽ có trên 100 triệu dân. Liệu đến lúc đó Việt Nam có còn xuất khẩu được trên 4 triệu tấn gạo/năm, có thể giữ vị trí chỉ sau Brazil trong xuất khẩu cà phê, có còn tiếp tục đứng đầu thể giới trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu? Công nghệ sinh học nông nghiệp sẽ làm được gì? Giống không nhiễm bệnh, giống kháng sâu, giống có chất lượng cao hơn đang là mục tiêu của hướng nghiên cứu tạo giống cây trồng chuyển gen. Hiện nay ở Việt Nam, triển khai công nghệ gen được thực hiện vào việc cải tiến giống cây trồng theo hướng chống bệnh như: Đu đủ kháng PRSV, cam quýt kháng virus Tristeza. Kể cả việc chuyển gen kháng nguyên của vius cúm A/H5N1 vào thuốc lá, đậu tương, kháng nguyên virus dại vào cây cà chua, kháng nguyên virus viêm não Nhật Bản vào cây cà chua cũng đang thu được kết quả khả quan. Việc lập bản đồ gen và đánh giá khả năng chống chịu của các giống lúa địa phương đang làm nền tảng cho việc cải tạo giống lúa hiện nay. Trên lĩnh vực thuốc thú y, những sản phẩm của công nghệ sinh học như vaccine cho cá hay vaccine cúm A/H5N1 với tên VFLUVAC do Viện Công nghệ sinh học phối hợp với Công ty thuốc thú y và Xí nghiệp thuốc thu y trung ương sản xuất đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất.
Liệu trong 5 năm tới, Việt Nam có sản xuất được vaccine chống bệnh cho cá basa và tôm - hai mặt hàng chủ đạo trong xuất khẩu thủy sản hiện nay không? Có thể có nếu có sự chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống. Cách đây không lâu, đã có những thảo luận về vaccine thủy sản, nhưng lại có những ý kiến e ngại trong việc tiêm phòng sẽ gây tốn kém. Hiện nay, ở Đức đã có vaccine thủy sản với công nghệ hạt nano và dùng đường miệng.
Năng lượng sinh học
Nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ được dự báo sẽ cạn kiệt vào năm 2050. Cả thế giới đang tìm giải pháp mới cho nhu cầu năng lượng không thể giảm bớt được, như năng lượng gió, địa nhiệt, sóng biển, mặt trời, đặc biệt là năng lượng sinh học. New Zealand đã thử dùng dầu hạt cây Jactropha cho máy bay, Đức đã nhập nhà máy nhiệt điện của Ấn Độ, tận dụng rơm rạ nén bánh làm nhiên liệu, công nghệ chuyển hóa sinh khối bằng gia nhiệt trong điều kiện áp suất cao để chuyển thành dầu diesel (rút ngắn thời gian mà tự nhiên cần đến hàng trăm triệu năm để hóa thạch cây cỏ thành than đá và dầu mỏ) đang được cải tiến ngày càng có hiệu suất cao hơn ở các quốc gia Bắc Âu … Đó là những giải pháp mới mà cả thế giới đang gắng sức tìm tòi. Việt Nam có nên và có phải nhập cuộc hay cứ chờ xem khi nào thế giới có công nghệ chuyển giao thì sẽ tiếp nhận? Tại nước ta, những thử nghiệm về trồng Jactropha ở vùng đất khô hạn hay nuôi trồng và khai thác các loại tảo như tảo biển làm sinh khối cho các mục đích khác nhau (làm rau, sản xuất arginat hay làm nguyên liệu cho sản xuất diesel sinh học) đều đã được bắt đầu, nhưng còn ít và rải rác.
Công nghệ sinh học y dược
Nhân loại, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đang đứng trước những nguy cơ dịch bệnh đối với các loại bệnh truyền nhiễm bùng phát (EIDs) như: Dịch SARS, cúm gia cầm, bệnh sốt xuất huyết, HIV/AIDS … Thuốc chữa bệnh ngày càng đắt, nhiều loại bệnh có thuốc tốt, nhưng đâu có cơ hội tốt cho người nghèo. Liệu công nghệ sinh học y dược có trở thành cứu cánh cho người nghèo không? Công nghệ nano sinh học với những hạt thuốc có kích thước nano, không những được đưa đến đúng tế bào đích cần chữa trị, giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà lượng thuốc cần thiết cho một ca điều trị còn giảm xuống hàng chục đến hàng trăm lần. Một toa thuốc Taxol điều trị ung thư phổi và ung thư vú, nếu giảm xuống 10 lần, chỉ còn vài chục đôla/lần điều trị thì những người nghèo sẽ có cơ hội điều trị. Những nghiên cứu về đặc điểm da hình kiểu đơn bội DNA của người Việt Nam được đánh giá thông qua giải mã toàn bộ hay một phần gen ty thể các tộc người Việt Nam. Trình tự genome ty thể của một bệnh nhân MELAS Việt Nam mang đột biến A3243G lần đầu tiên được giải mã và công bố. Đặc biệt, Việt Nam đã triển khai công nghệ DNA/protein tái tổ hợp vào việc sản xuất các sinh phẩm có giá trị kinh tế cao như Interleukin II, Tribakhin ... chữa ung thư.
Công nghệ sinh học môi trường
Môi trường tự nhiên bị suy thoái nghiêm trọng, môi trường sống bị ô nhiễm ngày càng nặng nề, mức độ vệ sinh an toàn của lương thực thực phẩm bị tới mức báo động ở quy mô toàn cầu (như vụ sữa melamine) hay quy mô khu vực (như vụ hóa chất hexavalent chromium còn dư lượng cao gây độc trong da giầy) hay quy mô quốc gia (như vụ nước thải Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải). Con người có thể kiểm soát được những tác hại này không? Và có giải pháp công nghệ sinh học cho những vấn đề môi trường hay không? Đây chỉ là vấn đề tổ chức, khả năng của khoa học và công nghệ hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu hiện tại, kể cả những bài toàn khó như phân hủy các chất hóa học cực độc có mạch vòng…
Việt Nam cần tạo môi trường phát triển cho công nghệ sinh học bao gồm: Yếu tố con người: Việt Nam cần con người ở cả 3 cấp độ: Lãnh đạo, quản lý; nghiên cứu phát triển công nghệ, triển khai sản xuất và phát triển thị trường. Yếu tố chính sách trong chỉ đạo đầu tư, cơ chế phối hợp hành động giữa các bộ/ngành, trong hoạch định kế hoạch, quản lý tài chính… Yếu tố tài chính: Cấp phát, giao khoán, đấu thầu, cho vay tín dụng, thu hồi, thưởng phạt…
Trong mọi quá trình phát triển của khoa học và công nghệ con người luôn luôn đứng trước thách thức, chỉ những ai biết nắm bắt vận hội để vượt qua được thách thức thì mới có cơ hội thành công. Người lãnh đạo và người làm khoa học lại càng phải như vậy trong mùa xuân này
Kim Loan (Tạp chí Hoạt Động Khoa Học)