SpStinet - vwpChiTiet

 

Chuyện người “chữa bệnh” máy nông nghiệp

Từ chiếc máy thái rau thô sơ, cũ kỹ đến những máy gieo sạ cồng kềnh, không phù hợp với đồng đất địa phương, tất cả đều trở nên tiện dụng khi qua bàn tay của ông. Mọi người thường gọi ông là “bác sỹ” của những cỗ máy nông nghiệp. Người có biệt tài đó là ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Tuyết Thành.

Từ lòng đam mê

Tôi gặp ông lần đầu tiên trong buổi trình diễn những chiếc máy do ông sáng chế ở Yên Thế (Bắc Giang). Khoác trên mình bộ quần áo lao động lấm lem, trông ông giống một lão nông hơn là giám đốc... Trong lần gặp lại thứ hai, ông kể cho tôi nghe rõ ràng hơn về cơ duyên với nghề chế tạo máy của mình. Sinh năm 1959 trong một gia đình có 3 anh em, năm 1979 ông bước chân vào Trường Công nhân kỹ thuật 1 Bắc Giang. Thời đó, cuộc sống muôn vàn khó khăn, ông phải tự bươn chải chuyện học hành, tài sản quý nhất lúc đó là chiếc xe đạp. Thế mà ông dám mang chiếc xe đạp đổi lấy chiếc xe máy cũ nát, không chạy được chỉ để thoải mái mày mò nghiên cứu, sửa chữa... Năm 1983, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, được giữ lại trường nhưng bản tính muốn được bay nhảy đưa ông về làm việc tại Nhà máy Cơ khí Phổ Yên (Thái Nguyên). Năm 1990, ông bỏ việc về quê tự mở xưởng cơ khí. ông say mê với những công việc không hạn định, có gì làm nấy, từ sửa chữa máy công cụ, máy cày, máy kéo đến máy khoan giếng... Rút ra một cuốn sổ trông đã cũ, ông khoe với tôi: “Đây là tâm huyết mấy chục năm của tôi, đi đến đâu thấy gì, dân góp ý thế nào tôi đều ghi vào sổ rồi về ngẫm nghĩ, nghiên cứu”. Tôi còn đang băn khoăn, định hỏi vài điều thì ông đã hào hứng kể chuyện... cái máy cắt cỏ. “Mấy năm trước, khi tình cờ xem chương trình trên ti vi nói về tính năng và phương thức hoạt động của máy cắt cỏ, tôi đã lặn lội trong Nam ngoài Bắc mua đồ về chế tạo, máy lắp xong cũng cắt được nhưng lại không hợp với đồng đất Bắc Bộ”, ông nói. “Ý tưởng thì nhiều nhưng thất bại cũng chẳng ít”, điệu cười thanh, vang của ông như xua tan cái băng giá của mùa đông. Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện ông giúp nông dân Nguyễn Văn Triệu ở Quế Nham (Tân Yên) chế tạo máy tuốt lạc. “Làm đến lần thứ hai mà lạc vẫn bị giập vỡ, nhiều khi cây lạc còn bị cuốn vào trong máy. Đến khi ông ấy đi mua máy về dùng thì cũng là lúc tôi thành công”, ông cười xòa. “Đáng nhớ nhất là khi tôi làm thí nghiệm chế tạo máy gieo sạ lúa. Năm 2007 xưởng bắt đầu tìm hiểu loại công cụ này và mua một chiếc để nghiên cứu. Qua tìm hiểu, tôi đã loại bỏ những nhược điểm và thiết kế lại toàn bộ các bộ phận từ bình chứa hạt, số lỗ trên bình, bánh xe... Sản phẩm đầu tay rất thành công trên đất cát nhưng trên các chân ruộng đất thịt thì không được như ý. Tôi lại tìm tòi, cải tiến cho phù hợp”.
 
Đến những sáng tạo đột phá

Những sản phẩm máy nông nghiệp của ông ngày càng tạo được uy tín với bà con. Người ta biết đến ông không chỉ là người có đôi tay vàng mà còn bởi tình cảm ông dành cho nông dân. Ông thành lập Công ty TNHH Tuyết Thành cũng là để có thêm điều kiện giúp những người nghèo khổ, tàn tật. Đến nay, cơ sở của ông đã sản xuất trên 300 công cụ gieo hạt, giá trung bình 800.000 - 900.000 đồng/chiếc. Qua thực tế sản xuất tại nhiều nơi, công cụ gieo hạt của Công ty TNHH Tuyết Thành đã chứng minh được tính ưu việt như chỉ dùng hết 0,8kg lúa giống/sào (1sào Bắc Bộ = 360m2) trong khoảng 10 - 12 phút. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 10 công nhân với mức lương trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Sắp tới, ông sẽ mở rộng xưởng để tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.
QT (theo Kinh tế Nông thôn)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả