Vấn đề đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp tỉnh An Giang
13/02/2009
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì vấn đề đổi mới công nghệ là yếu tố quyết định trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính vì thế việc đổi mới công nghệ là một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Theo chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, qua kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về tình hình sử dụng thiết bị-công nghệ và tư vấn công nghệ của các doanh nghiệp cho thấy mức đầu tư cho đổi mới thiết bị-công nghệ chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm. Theo kết quả điều tra mới đây của 02 tổ chức Swiss Contact (Thụy Sĩ) và GTZ (Đức) khảo sát 1.200 doanh nghiệp tại Việt Nam ( trong đó có doanh nghiệp tỉnh An Giang) thì chỉ có khoảng 0,1% doanh thu đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ. Hiện nay đa số sử dụng công nghệ của những năm 80. Việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn rất chậm, thụ động trong khi các doanh nghiệp ở các nước như Ấn Độ có mức đầu tư đổi mới thiết bị - công nghệ là 5% và Hàn Quốc là 10% .
Hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp đang phải chịu nhiều cản trở và điểu kiện bất lợi như: Vốn đầu tư, nhận thức về thách thức hội nhập của các doanh nghiệp chưa thật sự đầy đủ, trình độ đội ngũ quản lý và lao động của doanh nghiệp thấp, công tác quản lý nhà nước về công nghệ chưa rõ ràng, còn chồng chéo và thiếu tính hệ thống nên rất khó thực hiện. Đó chính là những vấn đề cần khắc phục để thức đẩy quản lý nhà nước đối với hoạt động đổi mới công nghệ của địa phương được tốt hơn.
Nhằm đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2009 và những năm tiếp theo, tỉnh An Giang cần quan tâm đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm:
1/. Cần xác định rằng muốn thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vấn đề hội nhập kinh tế thì trước hết phải bắt đầu từ đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động trong đổi mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Cần xây dựng chiến lược kinh doanh và nhu cầu công nghệ làm cơ sở cho định hướng cạnh tranh của doanh nghiệp, thành lập các hiệp hội ngành nghề để bảo vệ và chia sẻ bí quyết công nghệ nội bộ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc trích lập quỹ đầu tư đổi mới công nghệ hằng năm theo quy định hiện hành để đẩy nhanh tiến trình đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp nhanh hơn và hiệu quả hơn.
2/. Hiện nay Chính Phủ đang có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lãnh vực sản xuất và lưu thông hàng hóa, trong đó đề nghị cần đặc biệt quan tâm hơn về chính sách cho vay vốn, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ để tháo gỡ và tác động một cách tích cực hơn vấn đề đổi mới công nghệ đáp ứng tốt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giai đoạn hội nhập hiện nay. Đồng thời cần xây dựng chương trình xúc tiến xuất khẩu dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chiếm tỉ trọng chủ yếu của tỉnh An Giang hiện nay.
3/. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức kinh doanh, tiếp thị của các giám đốc doanh nghiệp thông qua việc việc liên kết các tổ chức đào tạo ngắn, dài hạn ở trong và ngoài nước. Tăng cường việc thông tin và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan đến “ công nghệ” để các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời. Đồng thời, để tạo điều kiện sớm hình thành một sàn giao dịch cụ thể và thông tin cần thiết để doanh nghiệp, nhà khoa học và các đối tượng khác có thể gặp gỡ, trao đổi và mua bán công nghệ, kết nối của bên cung và bên cầu của thị trường công nghệ. Đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho việc chuyển giao và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An giang.
4/. Đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh việc hỗ trợ thực hiện vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thương trường.
5/. Chấn chỉnh những bất cập trong quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công nghệ, đồng thời đưa quản lý công nghệ thông tin đi vào thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập hiện nay. *Trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì việc phát triển doanh nghiệp gắn liền với đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
TS.Mai thị Ánh Tuyết PGĐ Sở Khoa học & Công nghệ An Giang