Công viên Bách Thảo: Sẽ không chỉ để ngắm
10/03/2009
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Để giữ gìn các giá trị của công viên Bách Thảo, các nhà khoa học thuộc trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuất (liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã đề xuất ý tưởng xây dựng khu trưng bày tiêu bản sinh vật tại công viên này, phục vụ hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học và việc tìm hiểu học tập của học sinh và người dân.
Trước mắt, sẽ có hai phòng lưu trữ được xây dựng trong công viên Bách Thảo. Mỗi phòng trưng bày khoảng hai trăm hộp tiêu bản mẫu động thực vật quý của Việt Nam. Khách thăm công viên Bách Thảo sẽ được xem các bộ tiêu bản sinh với các thuyết minh sinh động có tranh ảnh và băng hình minh hoạ. Các bộ tiêu bản được giới thiệu theo chủ đề gắn liền với các địa danh, hay với các danh nhân. Hoa, lá, cành… của những loại cây đặc trưng Hà Nội như cây hoa sữa, sấu, sao đen cũng sẽ được lấy để xây dựng bộ tiêu bản đặc biệt về thực vật Hà Nội.
Dự kiến, cuối năm 2009, những công việc chính của dự án sẽ hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Thạch, giám đốc công viên Bách Thảo, cho biết: “Qua dự án vườn sinh vật này, chúng tôi cũng mong muốn góp một tiếng nói nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh vật phong phú của Việt Nam”.
Công viên Bách Thảo là vườn thực vật được xây dựng từ năm 1890, diện tích 11 hecta, hiện có hơn 100 loài thực vật thân gỗ quý hiếm như gụ mật, triều lưu chanh, lộc vừng, muồng xanh, sồi, sưa… Công viên có trên 2.000 thể cây gỗ hơn 100 năm tuổi với đường kính thân trên 100cm, trong đó có một số loài cây đang bên bờ vực tuyệt chủng. Tuy nhiên, những năm qua, việc quản lý công viên chưa được xứng tầm. Giá trị tham quan, tìm hiểu của một vườn bách thảo cũng mất dần vì sự thiếu ý thức của người đến công viên.
LV (theo SGTT)