Vệ tinh F-1 của FPT cùng 4 vệ tinh nhỏ khác đã được vận chuyển đến bãi phóng Tanegashima ở phía nam Nhật Bản để chuẩn bị phóng lên quỹ đạo vào ngày 21/7 tới.
5 vệ tinh nhỏ sẽ cùng được phóng lên vũ trụ vào ngày 21/7. Vệ tinh F-1 nằm ở vị trí số 2 từ bên trái qua (Ảnh: Vũ Trọng Thư)
“Theo kế hoạch, thời điểm phóng tên lửa dự kiến bắt đầu lúc 11h18 (giờ Nhật Bản), 9h18 sáng (giờ Hà Nội) ngày 21.7.2012. Cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã bước vào giai đoạn cuối cùng”, ông Vũ Trọng Thư, Phòng nghiên cứu không gian (Fspace), Viện Nghiên cứu công nghệ FPT thuộc Đại học FPT, trưởng nhóm chế tạo vệ tinh F-1 cho biết.
Vệ tinh F-1 có kích thước 10x10x10cm và nặng 1kg. Trên F-1 có gắn một camera độ phân giải thấp (640x480) để chụp ảnh trái đất; một cảm biến từ trường 3 trục (để phục vụ hệ thống xác định tư thế vệ tinh sau này) và một số cảm biến nhiệt độ xung quanh thân vệ tinh để thu thập dữ liệu từ môi trường không gian.
Vệ tinh F-1 đã vượt qua kỳ đánh giá an toàn bay, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và được chính thức chấp nhận tham gia chương trình phóng vệ tinh nhỏ do JAXA và NASA phối hợp tổ chức. Đây là một giai đoạn khó khăn và nhiều thách thức trong quá trình làm vệ tinh F-1.
Một ví dụ về yêu cầu an toàn bay là bộ pin của F-1 (đã được sạc đầy trước khi chuyển sang Nhật Bản) phải được cách ly hoàn toàn với phần tải (các thiết bị khác của vệ tinh) trong suốt thời gian vệ tinh được lắp lên tên lửa đẩy HII-B, trong suốt quá trình phóng cũng như trong lúc vệ tinh ở trên trạm ISS. Pin của F-1 chỉ được phép nối với tải sau khi vệ tinh đã được đẩy ra ngoài quỹ đạo một cách tự động vì lý do an toàn. Thêm nữa, vệ tinh F-1 sử dụng ăng ten dipole (chiều dài 1m) để liên lạc với trạm mặt đất, nhưng trong suốt quá trình phóng
Nhóm chế tạo cũng phải đảm bảo ăng-ten được quấn gọn gàng và được giữ chặt quanh thân vệ tinh chứ không được phép bung ra nhằm tránh gây nguy hiểm cho các thiết bị khác cùng đi trên tên lửa. Đến khi vệ tinh được thả ra ngoài vũ trụ, nó lại phải có cơ cấu tự động bung ăng ten ra để liên lạc với mặt đất.
Một khó khăn khác trong quá trình đánh giá an toàn bay là các thành viên FSpace không được trực tiếp đến tận nơi nhìn thấy quả tên lửa cho nên nhóm buộc phải làm việc từ xa (nửa vòng Trái đất) với các kỹ sư của đối tác NanoRacks qua email, SkyPE...
Theo kế hoạch, ngày 21.7 tới, tàu HTV-3 sẽ phóng lên quỹ đạo từ bãi phóng Tanegashima trên tên lửa đẩy HII-B. Sau khi được phóng lên quỹ đạo, tàu HTV-3 sẽ tách khỏi tên lửa đẩy HII-B thiết lập kênh liên lạc với trạm điều khiển mặt đất và tiến về phía Trạm vụ trụ quốc tế (ISS).
Vệ tinh nhỏ F1 do tập đoàn FPT sản xuất
(Ảnh: Vũ Trọng Thư)
Sau khi ghép nối với Trạm vũ trụ quốc tế, các phi hành gia sẽ sang tàu HTV-3, để chuyển các vệ tinh nhỏ sang modul Kibo. Các vệ tinh nhỏ sẽ được đặt lên bàn trượt trong khoang điều áp của modul Kibo để đưa ra ngoài cho cánh tay robot nắm lấy và thả ra ngoài không gian để bắt đầu nhiệm vụ của mình.
“Mục tiêu của vệ tinh F-1 là phải “sống” được trong môi trường vũ trụ. Nó có nhiệm vụ nhận lệnh điều khiển từ mặt đất phát tín hiệu trả lời, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây”, anh Thư nói.
Nhìn lại 4 năm về trước, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi và quyết tâm của đội dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F-1.
Theo ông Thư, việc chế tạo các vệ tinh nhỏ (cỡ vài kg) là hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện tại của Việt Nam với chi phí thấp (dưới 10 tỷ đồng) và thời gian ngắn (cỡ 2-3 năm). Những vệ tinh nhỏ này có thể có ứng dụng trong công tác giám sát tàu thuyền trên biển Đông, phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát hiện cháy rừng sớm hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám khác.
Các vệ tinh lớn/vệ tinh trung bình (như VINASAT 1 và VINASAT 2) thường là các vệ tinh thương mại, đa chức năng. Chúng phục vụ nhiều mục đích khác nhau như viễn thám, dự báo thời tiết, nghiên cứu bầu khí quyển, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc trong công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ ngư dân. Các vệ tinh nhỏ (như vệ tinh F-1) nhằm mục đích chính là khai thác thế mạnh về chi phí đầu tư ít, thời gian nghiên cứu và phát triển nhanh hơn so với các vệ tinh lớn nặng hàng trăm, hàng ngàn kg. Các vệ tinh nhỏ thường chỉ phục vụ một hoặc một số các mục đích cụ thể như cảnh báo ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy rừng hoặc hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền trên biển…
Nguồn: Báo Đất Việt