Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN có đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN. Về
phía tỉnh Thái Bình có đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch UBND cùng đại diện các sở, ngành, trường đại học tại Thái Bình.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai 183 chương trình, đề tài, dự án KH&CN trọng điểm. 90% số đề tài đã được ứng dụng vào sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả trên các lĩnh vực.
Trong nông nghiệp, đã khảo nghiệm 436 giống lúa, 282 giống cây màu các loại; tuyển chọn được nhiều giống có năng suất, chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia (giống lúa CNP36, TPR1, BC15, TBR36,…). Tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất một số giống lúa lai, ngô lai F1, công nghệ chế biến hạt giống theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ sản xuất nhân tạo giống và nuôi thâm canh một số loại thủy sản (cua biển, ngao, cá tra, cá lóc bông, sản xuất thành công giống lợn lai 3 máu). Năng suất lúa đạt bình quân trên 13 tấn/ha. Hệ số quay vòng đất từ 2,2 đến 2,6 lần, đảm bảo ổn định về sản lượng lương thực (trên 1 triệu tấn/năm, nhiều vùng đạt 4 vụ/năm với thu nhập 100 – 150 triệu đồng/ha/năm).
Trong công nghiệp và dịch vụ, hỗ trợ cho 65 doanh nghiệp với tổng kinh khí gần 9 tỷ đồng (chiếm 45% tổng kinh phí đầu tư cho các đề tài) để nghiên cứu đổi mới công nghệ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ của một số doanh nghiệp đã được nâng cao, điển hình là công nghệ sản xuất bia, chế biến thức ăn gia súc, dệt sợi, sản xuất sứ vệ sinh cao cấp,…
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, Thái Bình nên tập trung đầu tư có trọng điểm và ưu tiên phát triển một số lĩnh vực như chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản); phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp để tổ chức sản xuất các sản phẩm lúa có năng suất, chất lượng cao; phát triển trồng nấm ăn và nấm dược liệu; quan tâm đến công nghệ chế biến thủy sản, thực phẩm nông nghiệp;…
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh Thái Bình về việc phát triển kinh tế xã hội dựa trên phát triển KH&CN của tỉnh. Bộ trưởng cho rằng, Thái Bình là tỉnh đất chật, người đông nên việc chọn phát triển KH&CN là đúng hướng. Việc phát triển này sẽ tạo lợi thế để Thái Bình nâng cao chất lượng, hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ KH&CN xác định những công việc cụ thể sẽ hỗ trợ cho tỉnh Thái Bình trong thời gian tới. Đồng thời, tạo được sự liên kết giữa trung ương và địa phương thông qua việc huy động các viện nghiên cứu, trường đại học của trung ương chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong một số lĩnh vực để hỗ trợ tỉnh Thái Bình.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đối với việc phát triển KH&CN và chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên trao đổi với Sở KH&CN tập trung đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển các sản phẩm của địa phương, lưu ý đến các dự án, đề án liên quan đến công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, đề xuất với Hội đồng nhân dân có mức đầu tư xứng đáng cho phát triển KH&CN.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ KH&CN và Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020.
Cùng ngày, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Sở KH&CN Thái Bình, Trường Đại học Y Thái Bình và Công ty cổ phần tập đoàn Hương Sen (doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực gồm dệt nhuộm, sản xuất đồ uống, kinh doanh dịch vụ,...).