SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội thảo khoa học quốc tế hóa học các vật liệu khung cơ - kim

Từ ngày 20 đến 21/3/2011, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về “Hóa học các vật liệu khung cơ - kim (MOF) và các vật liệu liên quan”, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học California, Los Angeles (UCLA) đồng tổ chức. Đây là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay về lĩnh vực này tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã tham dự Hội thảo.
 

Tham dự Hội thảo có trên 100 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, trong đó có 27 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến từ Mỹ, Anh, Đức, Thụy Điển, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Những vấn đề trình bày tại Hội thảo liên quan đến các hướng nghiên cứu của nền công nghệ xanh (Green Technology) đang được thế giới đặc biệt quan tâm như: tổng hợp và phân tích các vật liệu cấu trúc; ứng dụng của các vật liệu cấu trúc trong lưu trữ các loại khí đặc biệt là carbonic và hydro, phân tách khí, tách hydro từ nước,… Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận các hướng nghiên cứu mới liên quan trực tiếp tới những vấn đề nan giải của đất nước ta như bảo vệ môi trường, tạo ra các nguồn năng lượng sạch.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Đại học UCLA đã cùng với ĐHQG TP.HCM tổ chức sự kiện khoa học quốc tế rất có ý nghĩa này ở Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, với chiến lược phát triển kinh tế xã hội mới, trong đó đã nhấn mạnh phát triển mạnh KH&CN làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế tri thức; góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Hiện nay, KH&CN đã được khuyến khích phát triển mạnh mẽ bởi một hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ bao gồm các Luật như Luật KH&CN, Sở hữu trí tuệ, Chuyển giao công nghệ, Công nghệ cao, Tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, Việt Nam cũng xây dựng đồng bộ hệ thống các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đột phá vào một số ngành công nghệ cao như vật liệu, công nghệ thông tin viễn thông, tự động hóa; gắn chặt với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, của lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích sự hình thành và phát triển đội ngũ doanh nghiệp dựa trên công nghệ.
Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, Việt Nam đã xác định một trong những giải pháp chính là đẩy mạnh hoạt động hội nhập KH&CN quốc tế với mong muốn cộng đồng KH&CN Việt Nam cùng với cộng đồng KH&CN quốc tế đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước Việt Nam.
“Hội thảo lần này là một trong những ví dụ điển hình thể hiện cụ thể chính sách nhất quán trong phát triển KH&CN cũng như thúc đẩy hội nhập KH&CN quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
Hội thảo cũng đánh dấu sự hợp tác thành công giữa Đại học Quốc gia TP.HCM và UCLA thông qua chương trình nghiên cứu và đào tạo tiến sỹ về các vật liệu cấu trúc phân tử và nano, gọi tắt là MANAR (Molecular and Nano Architectures).
Trung tâm MANAR được thành lập với kỳ vọng đi thẳng vào những hướng nghiên cứu trong công nghệ xanh (trong đó có các vật liệu cấu trúc), đào tạo những nhà khoa học có khả năng sáng tạo trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, hợp tác với các tập đoàn công nghiệp thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời đây cũng là một mô hình mới trong KH&CN ở nước ta, rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cả về kinh phí và cơ chế hoạt động.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng khẳng định sự cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Bộ KH&CN đối với chủ đề nghiên cứu cũng như sự phát triển của Trung tâm MANAR trong thời gian tới để Trung tâm MANAR sẽ trở thành một trong những trung tâm xuất sắc ở Việt Nam tiên phong đi thẳng vào lĩnh vực khoa học mới và tiên tiến của thế giới, thông qua đó trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học xuất sắc vươn tầm khu vực và thế giới.
 
TN (Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả