Chú trọng đến tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất
09/05/2012
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Trong buổi làm việc ngày 04/5/2012 với Tập đoàn điện lực (EVN) của đoàn công tác do Ban Tuyên giáo, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì tìm hiểu về hoạt động KHCN của tập đoàn này, EVN đã kiến nghị, Nhà nước cần có quyết tâm chính trị thì mới mong đưa tỷ lệ nội địa hóa vào quy trình sản xuất, đặc biệt là công nghệ do người Việt Nam làm chủ.
Đây là buổi làm việc nằm trong chuỗi khảo sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có hoạt động KHCN nổi bật của Ban Tuyên giáo, Bộ KH&CN nhằm phục vụ việc xây dựng Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN cho biết, mục tiêu phát triển KHCN của tập đoàn đó là phấn đấu có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; phát triển hiệu quả, bền vững giữa vai trò chính đảm bảo cung cấp đủ điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước; làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập quốc tế có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Lê Thanh, hiện nay, chúng ta cứ hô hào về việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong nước nhưng thực tế, áp dụng điều này lại đang rất vướng. Nguyên nhân là tỷ lệ cụ thể này chưa được lượng hóa thành con số bao nhiêu %... Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN đang rất lúng túng khi quyết định phê duyệt kinh phí cho nhiều đề tài KHCN vì yêu cầu cần phải đảm bảo tính thành công. Nếu là khoa học mà đòi hỏi tỷ lệ thành công cao, không chấp nhận rủi ro là phi hiện thực- lãnh đạo EVN cho biết.
EVN đã xác định trọng tâm chính trong hoạt động KHCN: Trang bị và đổi mới trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật (nguồn điện, hệ thống truyền tải điện, lưới điện phân phối, điều khiển, tự động hóa, sản xuất thiết bị điện…) và trong kinh doanh (quản lý khách hàng, dịch vụ khách hàng…). Các công nghệ được trang bị phải ở tầm tiên tiến của thế giới và khu vực, ưu tiên công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Kết hợp với nhập khẩu công nghệ với tự phát triển sản xuất trong nước nhằm thay thế nhập khẩu, giảm nhập siêu.
Bên cạnh đó, EVN cũng xác định phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có chiều sâu về chuyên gia kỹ thuật cao cấp, thợ lành nghề và cán bộ quản lý các cấp, coi đây là nền tảng để tập đoàn phát triển bền vững.
Cuối cùng, EVN nhấn mạnh, đổi mới và xây dựng hệ thống quản trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị thành viên, trong đó chú trọng xây dựng các thể chế quản lý tốt và các hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ quản lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của EVN sẽ được ghi lại để góp phần hoàn chỉnh Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) vào tháng 10/2012 tới đây.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN