Công nghệ xử lí chất thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam
15/06/2012
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Đó là một trong những nội dung chính do đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đưa ra trong Hội thảo triển khai Đề án tổng thể xử lí chất thải y tế giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 do Bộ Y tế phối hợp cùng Ngân hàng thế giới vừa được tổ chức vào ngày 12/6/2012 tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân, bà Kari Hurt – Trưởng bộ phận Ban phát triển con người của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan ban ngành có liên quan.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lí Môi trường (Bộ Y tế) chất thải y tế hiện nay đang là một vấn đề cần được quan tâm hơn nữa do sự tác động trực tiếp tới môi trường sống con người. Đề án nhằm tới mục tiêu xử lí được các yếu tố nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ KH&CN, việc xử lí các chất thải y tế (CTYT) luôn được đặc biệt quan tâm tại các quốc gia trên thế giới bởi sự nguy hại và mức độ khó khăn phức tạp của nó, trong đó quy trình xử lí các CTYT khác nhau đều phụ thuộc vào dạng chất thải rắn, lỏng hay khí. Tại Việt Nam, 2 loại lò đốt đang được sử dụng chủ yếu gồm: Lò đốt nhập ngoại (trong đó lò Hoval chiếm đa số) và Lò đốt sản xuất trong nước do một số Công ty, các Viện, Trung tâm nghiên cứu về môi trường chế tạo với công nghệ đốt nhiệt phân hai buồng đốt sơ cấp và thứ cấp. Bên cạnh đó, sự gia tăng CTYT hàng năm cùng với công nghệ sử lí lạc hậu, xuống cấp cộng thêm nguồn kinh phí phí đầu tư cho KH&CN như mua trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, chi phí vận hành, bảo trì, nguồn nhân lực chuyên nghiệp còn hạn chế … đang là những thách thức trong việc áp dụng các biện pháp KH&CN để xử lí CTYT hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Kari Hurt cho biết, đây là lần đầu tiên WB hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực xử lí chất thải Y tế với tổng trị giá lên đến hơn 150 triệu USD với mục tiêu xử lí được các vấn đề rủi do về môi trường sống bởi các chất thải y tế gây ra. “WB sẽ kết hợp với Bộ Y tế dựa trên kết quả của Đề án mang lại (không mang ý nghĩa đầu tư). Nếu có kết quả thành công, đạt được một số chuẩn mực như đã đề ra. WB tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế tiếp cận các nguồn vốn viện trợ khác, đầu tư thêm dựa trên nhu cầu thực tế của các tỉnh thành địa phương trên cả nước trong thời gian tới” bà Kari Hurt chia sẻ thêm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN