SpStinet - vwpChiTiet

 

Ngân sách cho KH-CN: Bộ Khoa học quản, Bộ Tài chính...chi

Hiện nay, Bộ KH-CN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội trước Chính phủ về 2% tổng chi ngân sách hằng năm dành cho KH-CN. Tuy nhiên, bất cập lớn là Bộ KH-CN chỉ chủ động quản lý được một phần trong tổng số ngân sách nói trên.
 

Tại phiên giải trình về “Cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học-công nghệ” tổ chức ngày 22.9 do Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân cho biết, có thể nói mức chi 2% tổng chi ngân sách cho KH-CN là mức chi cao đối với các quốc gia đang phát triển, nhưng hiện nay cơ chế để Bộ KH-CN tham gia và kiểm soát nội dung cũng như hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước vẫn chưa được đáp ứng.

Bộ KH-CN chỉ quản, còn Bộ Tài chính được quyền chi

Trên thực tế, toàn bộ kinh phí đầu tư phát triển trong thời gian trước đây do Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính trực tiếp phân bổ và cấp cho các Bộ, ngành các địa phương. Kinh phí sự nghiệp khoa học thì do Bộ KH-CN phối hợp với Bộ tài chính phân bổ nhưng theo thông lệ của những năm trước. Với cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách đầu tư cho KH-CN như vậy, thực chất Bộ KH-CN “chưa có đầy đủ thông tin để tham gia vào quá trình phân bổ và thẩm định nội dung đầu tư cũng như không kiểm tra giám sát được nội dung tình hình sử dụng ngân sách KH-CN cấp cho các Bộ, ngành, các địa phương. Đặc biệt, chế độ báo cáo của các Bộ, ngành địa phương với Bộ KH-CN không đầy đủ, cho nên Bộ KH-CN không có đầy đủ thông tin và cơ sở dữ liệu để đánh giá hiệu quả đầu tư cho KH-CN”.

Cụ thể, năm 2011 kinh phí đầu tư phát triển được phân bổ về cho các địa phương khoảng 2.700 tỷ đồng nhưng các địa phương chỉ thực hiện được khoảng 2.044 tỷ (khoảng 75%) còn lại khoảng 673 tỷ đồng các địa phương sử dụng vào các dự án của các lĩnh vực khác không liên quan đến KH-CN. Đặc biệt, trong hơn 2.000 tỷ đồng sử dụng đầu tư cho KH-CN có khoảng 672 tỷ đồng chi không đúng mục đích. Như vậy các địa phương chi sai mục đích đầu tư khoảng 1.345 tỷ đồng, chiếm gần một nửa kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho KH-CN phân bổ cho các địa phương.

Thêm vào đó, Bộ KH-CN chưa có đủ thẩm quyền cùng với Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ Tài chính phân bổ nguồn kinh phí đầu tư phát triển, nguồn kinh phí cho sự nghiệp khoa học cho các bộ, ngành các địa phương, dẫn tới hiện tượng dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao.

Cần thay đổi cơ chế

Vấn đề thứ hai là những bất cập liên quan đến việc xây dựng kế hoạch xác định nhiệm vụ KH-CN còn mang nặng tính hành chính, điều này thể hiện trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm. Bởi theo quy định của Luật Ngân sách, các dự án đầu tư phát triển phải được phê duyệt mới được bố trí kinh phí. Tuy nhiên, việc chi kinh phí cho KH-CN được gọi là chi đầu tư phát triển như những dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Do cách làm này nên từ khi các nhà khoa học có ý tưởng cho đến lúc nhận được kinh phí thì nhiều đề tài đã không còn phù hợp với thực tiễn. Đây là vấn đề nhức nhối đối với giới khoa học.

Thứ ba là việc điều chỉnh kinh phí của các đề tài, dự án KH-CN. Sau khi các đề tài, nhiệm vụ đã được phê duyệt và đưa vào danh mục thì sẽ được giao kinh phí. Nhiều khi các nguồn kinh phí này không còn phù hợp với công việc của đề tài nên phải điều chỉnh kinh phí nhưng quy trình thủ tục rất phức tạp. Các nhà khoa học khi điều chỉnh kinh phí trên 1 tỷ đồng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Còn dưới 1 tỷ đồng, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính có thể trao đổi, thống nhất, nhưng thời gian chờ đợi cho việc trao đổi này kéo dài từ… 3-6 tháng. Vì thế, giới khoa học rất e ngại khi phải điều chỉnh kinh phí, mặc dù đây là việc bắt buộc phải làm khi kinh phí không thể đáp ứng được những nội dung của đề tài nghiên cứu.

Vấn đề tiếp theo là huy động nguồn lực đầu tư cho KH-CN hiện nay chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước để làm khoa học. Với mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách hàng năm, năm 2011 vừa rồi tương đương khoảng gần 700.000.000 USD.  Con số này quả quá khiêm tốn nếu nhìn ra các nước trong khu vực và thế giới. Với mức chi cho KH-CN tính trên đầu người kể cả ngân sách từ Nhà nước và đầu tư từ xã hội mới chỉ khoảng trên dưới 10 USD/người, trong khi các nước trong khu vực ngay cả các nước láng giềng của chúng ta có mức đầu tư cao hơn chúng ta từ 5-10 lần. Đặc biệt đối với nước như Hàn Quốc có thể tới hàng trăm lần so với mức đầu tư Việt Nam.

Nói về những giải pháp đột phá trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH-CN sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Đột phá thứ nhất là phương thức đầu tư cho KH-CN, làm sao để huy động được đầu tư của xã hội đặc biệt của doanh nghiệp cho KH-CN thông qua chính sách về thành lập quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải trích một phần lợi nhuận của họ để đầu tư cho phát triển KH-CN. Trước đây, quy định doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế cho phát triển KH-CN là tự nguyện, không bắt buộc. Nhưng doanh nghiệp hầu hết không trích. Hiện tại, trong Luật KH-CN sửa đổi đã có nội dung yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đều phải dành một tỉ lệ tối thiểu cho KH-CN.

Đột phá thứ hai là về cơ chế tài chính, cần bổ sung các nội dung chi trong hoạt động KH-CN, điều chỉnh lại các mức chi cho phù hợp với mức độ phát triển kinh tế xã hội và đơn giản hóa tối đa thủ tục chi.

Thứ ba là nhà nước nên áp dụng cơ chế quỹ để cấp kinh phí cho các hoạt động KH-CN. Hầu hết các nước đều dùng cơ chế quỹ. Tiền ngân sách nhà nước cấp vào quỹ, các nhiệm vụ KH-CN đề xuất đến đâu sẽ được xem xét, tuyển chọn và cấp kinh phí đến đó. Cơ chế này có 3 điểm thuận lợi cho KH-CN, đó là cấp tiền kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ, không phải quyết toán theo năm tài chính, tiền chưa tiêu hết thì tự động chuyển nguồn năm sau.
 
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT Phan Xuân Dũng cho rằng, trên cơ sở những vấn đề đã nêu trong phiên giải trình, đề nghị các Bộ KH-CN, Tài chính, KH-ĐT phối hợp triển khai những giải pháp, khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về KH-CN, về đổi mới cơ chế tài chính… Đồng thời, phối hợp với Ủy ban KH-CN-MT nghiệm thu, chỉnh lý dự án Luật KH-CN sửa đổi theo đúng tiến độ và theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách để phát triển KH-CN, đảm bảo phát triển KH-CN là quốc sách hàng đầu.

Nguồn: Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả