Ngày 17/9/2012, tại Viên, cộng hòa Áo, đã diễn ra Khóa họp thường niên lần thứ 56 Đại hội đồng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Có 155 quốc gia thành viên cùng các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan thông tấn báo chí của nhiều quốc gia đã đến tham dự và đưa tin về sự kiện.
Khóa họp nhằm nhìn lại các hoạt động của IAEA kể từ lần họp trước cũng như tiếp tục bàn về những vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh hạt nhân, phát triển y tế, năng lượng, ngân sách và các chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong tương lai.
Phát biểu tại khóa họp, Tổng giám đốc IAEA ông Yukia Amano điểm lại một số tiến bộ trong năm 2011 đặc biệt sau thảm họa động đất sóng thần ở Fukưshima, khẳng định có sự hợp tác và đoàn kết của cộng đồng quốc tế về phát triển năng lượng nguyên tử phục vụ mục đích hòa bình sẽ tiếp tục có những kết quả tốt đẹp.
Ngoài ra, ông cũng cho biết một số các quốc gia
phát triển đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Ông cũng đề cập đến một số nước đang phát triển trong đó có Việt Nam và Bangladesh cũng đang khởi động các dự án điện hạt nhân của mình.
Trong phần phát biểu của mình tại Khóa họp, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Việt Nam đã và đang tập trung mọi nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng năng lực cho Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp; ủng hộ và thực hiện theo Kế hoạch hành động của IAEA về an toàn hạt nhân, đồng thời hoan nghênh các quốc gia điện hạt nhân đã thực hiện việc đánh giá an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân và thực hiện các hành động cần thiết để tăng cường an toàn hạt nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thông báo trước toàn thể khóa họp việc Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung; các thủ tục cần thiết để tuyên bố gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân. Bên cạnh đó, bản phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước cũng đã được hoàn thành, hiện đã trình Chủ tịch nước để quyết định trong thời gian sớm nhất.
Về điện hạt nhân, với sự hợp tác của Nga và Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết hiện Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu khả thi cho các Dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐNH) Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Với quan điểm “An toàn, an ninh hạt nhân phải được bảo đảm ở mức độ cao nhất”, Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ quyết định khởi công xây dựng các NMĐHN này sau khi đã chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân và nguồn nhân lực theo hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình thực hiện Chiến lược sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, Việt Nam luôn coi trọng sự hợp tác với IAEA, các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế khác trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến năng lượng hạt nhân.
Về hợp tác song phương, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, Việt Nam tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Hàn Quốc trong các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh, thanh sát, trách nhiệm bồi thường thiệt hạt hạt nhân; hợp tác với Nga trong việc xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân mới, với Hàn Quốc trong xây dựng Trung tâm gia tốc cyclotron phục vụ nghiên cứu y học hạt nhân và một số nước khác trong nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân.
Trong khuôn khổ của Chương trình khung quốc gia Việt Nam - IAEA giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng khẳng định: Việt Nam đã và đang nhận được sự giúp đỡ quý giá của IAEA. Trong giai đoạn 2012-2013 cùng với việc thực hiện 5 dự án hợp tác kỹ thuật, Việt Nam tham gia vào 43 dự án vùng và liên vùng. Các dự án này đã giúp Việt Nam trong việc mở rộng ứng dụng bức xạ, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia và tăng cường năng lực kỹ thuật cho cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia; khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Việt Nam đối với các hoạt động của IAEA trong việc tăng cường và thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng có các buổi tiếp xúc song phương với các đối tác như Nhật Bản, Pháp, Nga để bàn về các vấn đề liên quan đến hợp tác về hạt nhân.