Triển lãm Techmart 2012 thu hút gần 500 đơn vị trong và ngoài nước tham gia với khoảng 600 gian hàng của 3.000 công nghệ và thiết bị.
Gian hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Các thiết bị và công nghệ được giới thiệu tại Techmart năm nay chủ yếu tập trung vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao là cơ khí - chế tạo máy; điện tử - điện -tự động hóa; công nghệ thông tin - viễn thông; hóa chất - vật liệu - dược phẩm - y tế - xử lý môi trường… thu hút rất nhiều khách tham quan.
Một trong những khu trưng bày thu hút được sự chú ý đông đảo của khách thăm quan đó chính là gian hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, với các sản phẩm thiết thực, mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
1. Rô-bốt 5 bậc tự do
Đầu tiên là Rô-bốt 5 bậc tự do ứng dụng cho đào tạo tại các trường ĐH-CĐ. Đây là thành quả nghiên cứu của nhóm kỹ sư Lê Anh Kiệt, Công ty Cơ khí Chế tạo máy AKB (quận 7 - TPHCM) chế tạo ra.
Rô-bốt 5 bậc tự do ứng dụng cho đào tạo tại các trường ĐH-CĐ
Theo các chuyên gia cho biết, Rô-bốt này còn có thể mở rộng đến 6 bậc tự do để ứng dụng trong sản xuất công nghiệp (chức năng gắp sản phẩm). Chất lượng của Rô-bốt “Made in Vietnam” này tương đương thiết bị ngoại, nhưng giá thành chỉ bằng 45%-50% so với robot nhập (khoảng 200 triệu đồng/robot).
Tính năng nổi bật của robot là hệ thống có tính mở nên cho phép sinh viên có thể lập trình điều khiển mở rộng. Phần mềm mô phỏng của robot với hình ảnh 3D nên có thể chạy online và có thể chạy offline trên máy tính mà không cần robot.
Điều này cho phép nhiều sinh viên có thể cùng học lập trình robot mà không cần phải trang bị nhiều robot thật. Sau khi lập trình mô phỏng xong, sinh viên có thể sao lưu tập tin điều khiển của mình vào USB và gắn vào robot controller để điều khiển robot thật lúc thích hợp. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể điều khiển robot đặt tại một trạm nào đó bằng internet hay điện thoại di động.
Hiện nhóm đã sản xuất được 14 sản phẩm, sắp tới sẽ làm tiếp 16 robot còn lại. Dự kiến, 30 sản phẩm robot đầu tiên sẽ cung cấp hết cho các cơ sở đào tạo (tính ra có thể giúp tiết kiệm cho Nhà nước 8-9 tỉ đồng, vì không phải nhập khẩu). Nhóm hy vọng sẽ hoàn vốn sau khoảng 1 năm, sau đó sẽ tính tới hướng cung ứng robot cho sản xuất công nghiệp.
2. Thiết bị cô đặc mật ong theo nguyên lý chân không
“Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sấy mật ong theo phương pháp cô đặc chân không”, là đề tài khoa học do PGS.TS. Nguyễn Hay chủ nhiệm.
Việc tính toán, thiết kế và chế tạo thành công máy sấy mật ong năng suất 20kg/mẻ ứng dụng rất thiết thực cho quy mô sản xuất hộ gia đình. Máy hoạt động theo nguyên lý cô đặc chân không gia nhiệt mật ong trực tiếp trong buồng sấy có kết hợp đảo trộn mật trong quá trình sấy.
Đề tài khoa học do PGS.TS. Nguyễn Hay chủ nhiệm
Thông qua nguyên lý sấy chân không, nhiệt độ sôi của mật ong đã được đưa xuống dưới 40°C, đây là yếu tố quan trọng nhằm đưa ra được sản phẩm mật ong sau khi sấy vẫn đảm bảo được chất lượng và hảm lượng HMF cùng ẩm độ mật ong đạt được tiêu chuẩn quốc tế.
Theo các chuyên gia cho biết, mật ong có ẩm độ trên 20% sẽ lên men rất nhanh (trong vòng 1 tuần) nên quá trình chuyển mật từ nơi thu hoạch đến nơi sấy sẽ lên men ngay. Do đó việc cung cấp thiết bị sấy với công suất 20kg/mẻ ứng dụng cho quy mộ hộ gia đình tại vùng nguyên liệu mật ong là rất hợp lý và khả thi.
Sản phẩm mang tính thiết thực rất cao, thích hợp cho các gia đình nuôi ong trên diện rộng
3. Giường dành cho người bất động
Đây là sản phẩm do ông Nguyễn Long Uy Bảo sáng chế ra, và được đăng ký bằng sáng chế độc quyền tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Long Uy Bảo bên chiếc Giường do ông sáng chế ra
Giường dành cho người bất động được thiết kế theo nguyên tắc cài răng lược, 2 phần vạt giường tạo sự linh hoạt trong sử dụng và kết cấu góp phần xoay chuyển, nâng lên hạ xuống linh hoạt. Phần giữa của giường có thiết kế van an toàn. Hiệu quả của Giường là dể dàng thay drap, làm vệ sinh mà không cần di chuyển bệnh nhân do vậy không gây đau và khó chịu cho người bệnh ngoài ra sản phẩm tạo sự thoáng mát thoải mái, chống hoại tử cho bệnh nhân đồng thời giúp hỗ trợ cho y tá, điều dưỡng, hộ lý trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Nguồn: Khampha.vn