SpStinet - vwpChiTiet

 

Việt Nam bắt đầu một kỷ nguyên UAV

Sáng 18/5, cuộc bay thử nghiệm máy bay không người lái do Việt Nam sản xuất đã được Viện Công nghệ Không gian (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng.
 
 
Nhóm máy bay do các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học - Sản xuất công nghệ cao Viễn thông - Tin học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo.
 
Từ sân bay Cam Ly, máy bay AV.UAV.S2 mang theo camera, máy ảnh chuyên dụng và thiết bị đo phổ kế phản xạ đã chính thức bay trên bầu trời Đà Lạt và huyện Lạc Dương, tiến hành ghi hình, chụp ảnh và đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất để chuẩn hóa số liệu ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh.
 
6 máy bay trong tổng số 20 chiếc máy bay đã sản xuất thuộc 5 loại máy bay do Viện Công nghệ Không gian chế tạo đã được đưa vào bay thử nghiệm phục vụ chương trình “Tây Nguyên 3” – chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
 
Chương trình thử nghiệm tại Tây Nguyên cũng sẽ đem đến những kinh nghiệm để chuẩn bị cho đợt bay thử nghiệm tiếp theo tại khu vực ven biển miền Trung. Đồng thời tạo tiền đề để sớm đưa các máy bay không người lái do Việt Nam chế tạo vào phục vụ các ứng dụng cần thiết khác.
 
Trước đó, ngày 16/5, Công ty Gremsy (Công ty TNHH Hệ thống Cơ Điện tử xanh) và Trường Đại học FPT phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu Công nghệ chế tạo và vận hành máy bay không người lái.
 
Chiếc máy bay không người lái này áp dụng công nghệ điều khiển bằng sóng radio, đồng thời được trang bị máy ảnh DSLR Canon 5D Mark II và hệ thống ổn định hình ảnh cho camera với 3 trục xoay và có thể đạt độ cao tới 200m.
 
Máy bay được vận hành bằng 2 hình thức: Điều khiển từ xa, hoặc vận hành bằng hình thức Way point - Bay theo điểm đã chọn, được định vị theo tín hiệu GPS. Hình ảnh từ máy ảnh được truyền trực tiếp xuống màn hình hiển thị dưới mặt đất.
 
Hiện nay máy bay không người lái này đã được khai thác cho dịch vụ như quay phim, chụp ảnh trên không, hay theo dõi tiến độ công trình và khảo sát địa hình cho những khu vực khó tiếp cận bằng các phương tiện thông thường.
 
Ngày 18/5, Việt Nam sẽ mua máy bay không người lái (UAV) của Belarus, Thủ tướng Belarus Mikhail Myasnikovich tuyên bố trong cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ở Minsk.
 
Đây là chỉ dấu lạc quan cho thấy Việt Nam đã nhận thức được chân giá trị của UAV trong lĩnh vực quốc phòng.
 
Trước đó, có tin Việt Nam có kế hoạch trang bị các UAV hạng nhẹ của Nga do hãng Irkut đang phát triển. Ngoài ra, Việt Nam còn được Thụy Điển giúp đỡ phát triển một loại UAV nữa là Magic Eye 1.
 
Những thông tin về sự hợp tác của Việt Nam với Nga, Thụy Điển, Belarus… và các dự án nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước trong lĩnh vực UAV cho thấy, tuy muộn, cuối cùng Việt Nam đã nhận thức được chân giá trị của UAV trong lĩnh vực quốc phòng.
 
Không có nhiều tiền và nền tảng công nghiệp quốc phòng như Trung Quốc, nhưng Việt Nam có điều kiện thuận lợi là khả năng nhập khẩu công nghệ UAV, ít ra là UAV dân dụng của phương Tây và các nước khác.
 
Nguồn: Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả