SpStinet - vwpChiTiet

 

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu ramsar thế giới

Ngày 13.4, tỉnh Cà Mau tổ chức đón Bằng công nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu ramsar thứ 2.088 của thế giới.


Một góc khu ramsar Mũi Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 4.2010, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha (vùng đệm là 8.194 ha), với nhiều phân khu chức năng như: bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái, bảo tồn biển và hành chính-dịch vụ.

Về giá trị đa dạng sinh học, vườn quốc gia Mũi Cà Mau có những đặc thù riêng về hệ động và thực vật: hệ động vật có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 252 loài thủy hải sản.

Trong đó, có nhiều loài quý hiếm như bồ nông chân xám, giang sen, cò trắng Trung Quốc, rái cá, cầy giông đốm lớn, rùa hộp lưng đen, rùa răng, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ...

Về hệ thực vật, trong số 60 loài thực vật bậc cao thì có đến 26 loài cây ngập mặn và hai loài đước đôi và quao nước nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - nơi được ghi nhận là vị trí quan trọng trong thư mục các vùng đất ngập nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Mũi Cà Mau có những đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và diện mạo tạo nên vùng sinh thái cửa sông ven biển có một không hai ở Việt Nam.

Vì vậy, Mũi Cà Mau là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan vẻ đẹp của mũi đất thiêng liêng ở cuối trời cực Nam Việt Nam.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn các xã Đất Mũi, Viên An, Đất Mới là Lâm Hải, với dân số gần 55.000 người.

Thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

Trong những năm qua, chính quyền địa phương phát động các hộ dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra nhiều mô hình thâm canh, nuôi-trồng có hiệu quả, khai thác được tiềm năng và lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái như: mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, mô hình nuôi ốc len, mô hình nuôi cá mú, cá chẽm, sò huyết, đạt thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.

Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc vườn quốc gia Mũi Cà Mau phấn khởi chia sẻ: để bảo vệ khu ramsar của thế giới, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cố gắng làm tốt hơn công tác lưu giữ, bảo tồn gắn liền với phát triển cộng đồng: nâng cao nhận thức, tạo sinh kế cho người dân.

Ban Giám đốc Vườn quốc gia kiến nghị với Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư cải thiện đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân địa phương; đồng thời có giải pháp hạn chế dân di cư ngoài kế hoạch để giảm áp lực xâm hại tài nguyên thiên nhiên vườn quốc gia.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau và các ngành chức năng quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng hiệu quả hơn.
 
Nguồn: TTXVN

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả