SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội nghị Tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2012 về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu

Ngày 31/10/2012, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2012 về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Lãnh đạo Thanh tra Bộ KH&CN; Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ KH&CN và Lãnh đạo các Sở, Thanh tra các Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh/thành trong cả nước.
  
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2012
về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu.

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết, ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, sau ba tháng tổ chức triển khai cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và xăng dầu, tổng số cơ sở được thanh tra trong toàn đợt là 5.278 cơ sở, trong đó số cơ sở kinh doanh LPG là 918 cơ sở, số cơ sở kinh doanh xăng dầu là 4.360 cơ sở và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 678 cơ sở (12,8% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng.

Ngoài xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã xử phạt bổ sung với hình thức như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của 56 cơ sở, tước quyền sử dụng 10 giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo, tịch thu 13 cột đo nhiên liệu, đình chỉ hoạt động 32 cột đo, đình chỉ hoạt động kinh doanh của 03 cơ sở kinh doanh xăng dầu, đình chỉ lưu thông 505 bình gas buộc khắc phục đủ định lượng trước khi lưu thông trở lại và tịch thu 600 lít xăng dầu.

Các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là vi phạm về đo lường, chất lượng. Trong tổng số 154 lượt vi phạm LPG cơ quan thanh tra phát hiện được thì có tới 123 hành vi vi phạm về đo lường (chiếm xấp xỉ 79,8%). Số còn lại là các vi phạm về chất lượng LPG, bình/chai LPG hết hiệu lực kiểm định kỹ thuật an toàn, bán LPG không phù hợp với hợp đồng đại lý với thương nhân đầu mối, ký hợp đồng mua bán LPG vượt quá số lượng thương nhân đầu mối, hành vi chiết nạp LPG vào chai LPG mini không được phép nạp lại, không lưu hồ sơ công bố chất lượng của các chủng loại LPG tại cơ sở, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy...

Thống kê các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu cho thấy: trong tổng số 568 lượt hành vi vi phạm, có 246 lượt hành vi vi phạm về đo lường, chiếm 43,3% số hành vi vi phạm và 90 lượt hành vi vi phạm về chất lượng, chiếm 15,8% số hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm bị xử lý chủ yếu là: phương tiện đo chưa được kiểm định ban đầu đã đưa vào sử dụng; sử dụng phương tiện đo đã quá thời hạn kiểm định; sử dụng phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định rách, nát, mờ; phương tiện đo không có nguồn gốc rõ ràng dẫn đến phương tiện đo không đảm bảo về đo lường; tự ý phá niêm chì để hiệu chỉnh phương tiện đo theo hướng có lợi cho người bán; sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường do có sai số vượt quá sai số cho phép. Các hành vi vi phạm về chất lượng bị phát hiện và xử lý chủ yếu là hành vi pha loại xăng có trị số octan thấp với xăng có trị số octan cao để bán với giá của xăng có trị số octan cao để gian lận chênh lệch giá tiền.

Mặc dù số vụ vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu có dấu hiệu giảm so với các năm trước nhưng các hình thức vi phạm lại tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát hơn. Theo đánh giá của các đoàn thanh tra địa phương, các hành vi làm thay đổi tình trạng kỹ thuật, đặc tính đo lường của phương tiện đo để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt mức cho phép là hành vi không mới nhưng để phát hiện và xử lý được vi phạm dạng này là rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2012 đã đạt được mục tiêu là phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, sở hữu công nghiệp trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu, tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu trong việc thực hiện quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của ngành KH&CN. Tuy cuộc thanh tra đã kết thúc, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm về cuộc thanh tra này, song xã hội vẫn yêu cầu chúng ta tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đã đạt được.

Cũng trong Hội nghị, 16 Sở KH&CN các tỉnh/thành phố có thành tích xuất sắc trong cuộc thanh tra chuyên đề năm 2012 đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN, gồm: Bến Tre, Bình Dương, Cần Thơ, Đắc Lắc, Đắc Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Lâm Đồng, Long An, Quảng Nam, Quảng Trị, Sóc Trăng và Tây Ninh.

Nguồn:  Thanh tra Bộ KH&CN

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả