Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang hút dư luận bởi diễn biến phức tạp của nó. Đây cũng là điều dễ hiểu nhất là khi thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp gây hiệu ứng xấu cho cộng đồng dân cư.
Việc xây dựng đập thủy điện luôn khiến nguồn lợi cá tự nhiên trên sông suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các ngư dân chuyên nghiệp. (Ảnh: Lâm Đình Uy)
TS. Nguyễn Vũ Trung, Phòng Đánh giá môi trường chiến lược, Cục thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đang trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án. Sau khi lấy ý kiến 3 tỉnh dưới hạ lưu (Đồng Nai, Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh) và tổng hợp các ý kiến dư luận có cơ sở khoa học sẽ tổ chức họp hội đồng và quyết định có hay không thông qua.
Lần đầu tiên thẩm định mở
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án thủy điện Đồng Nai 6 công suất 135 MW do công ty Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư sẽ đi vào hoạt động năm 2015 và dự án thủy điện Đồng Nai 6A công suất 106 MW sẽ đi vào hoạt động năm 2016. Theo đó, Bộ TN-MT đến nay các công việc đánh giá tác động môi trường của 2 dự án này vẫn đang được thực hiện, song đến nay các ý kiến phản biện vẫn đang “nóng” các diễn đàn và không ít ý kiến trái chiều mong muốn dự án được dừng lại.
Các ý kiến phản biện đều lo ngại, nếu được thông qua trong lần phê duyệt này, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ “ngốn” hơn 370 ha đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 137 ha thuộc phần diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên. Lo ngại nó ảnh hưởng đến một trong những khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng nhất phía Nam là Vườn quốc gia Cát Tiên.
Bên cạnh các ý kiến của giới chuyên môn thông qua các hội nghị, hội thảo cũng như bản kiến nghị gửi lên các cơ quan có thẩm quyền, một nhóm có tên SavingCattien cũng bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều đối với dự án này.
Theo GS. TSKH. Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. HCM, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. HCM thực hiện (do chủ đầu tư - Tập đoàn Đức Long Gia Lai thuê) còn quá sơ sài. Báo cáo chưa tính đến việc các con đập xây dựng ở các thác nước thuỷ điện 6, 6A đều nằm trên những đứt gãy, sụt lún sâu. Khi có một sức nặng của 31 triệu m3 nước đè lên đáy hồ, nguy cơ xảy ra động đất tự nhiên do đứt gãy và động đất là có.
“Tôi đề nghị Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ TN-MT nên có một buổi hội thảo mở về vấn đề thuỷ điện 6 và 6A và tránh kiểu: ai ủng hộ thì mời phản biện, ai không ủng hộ thì lơ đi!”, GS Bá bày tỏ.
TS. Tô Văn Trường hiện là thành viên Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC08/11-15 về khai thác tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường của Bộ Khoa học - Công nghệ cũng nhận định, “vẫn còn khá nhiều tồn tại cần làm rõ về phương pháp luận ĐTM, tính khả thi của việc điều tiết nước về phía hạ lưu, các thông tin chi tiết về hiện trạng rừng và mức độ đa dạng sinh học, văn hóa bản địa tại khu vực dự án…”.
Theo TS. Trường, đối với tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cần xem xét và đánh giá cẩn trọng đối với các vấn đề về mất vĩnh viễn diện tích rừng, suy giảm đa dạng sinh học, rủi ro và sự cố môi trường.
Ông Nguyễn Vũ Trung cho biết, tất cả các ý kiến phản biện mang tính xây dựng đều được lắng nghe và phản hồi. Thậm chí hội đồng thẩm định cũng sẵn sàng tạo cơ hội để đại diện các tổ chức phản biện tham dự phiên họp, phát biểu ý kiến trước hội đồng. Dù rằng đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý môi trường làm công việc này, song do mức độ quan tâm lớn của người dân lẫn giới khoa học nên Bộ lắng nghe để cân nhắc quyết định.
Thủy điện lớn không phá rừng?
Nhận định về những ý kiến phản biện trái chiều trong suốt thời gian qua, ông Trung cho rằng có rất nhiều ý kiến trùng với thành viên hội đồng. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự bức xúc về những ý kiến mang động cơ không tích cực. “Tất cả các ý kiến mang động cơ cá nhân và chuộc lợi đều không được chấp nhận”, ông Trung nói.
Thừa nhận thủy điện sẽ gây tổn thất không nhỏ, đặc biệt về thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học nên trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược dự án Đồng Nai 6 và 6A, Bộ TN-MT đã yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát. Theo ông Trung, tác động lớn lại không phải là thủy điện lớn mà chính là các thủy điện nhỏ bị lợi dụng để phá rừng (có động cơ riêng). Còn những dự án lớn như Đồng Nai 6 và 6A lại không dám điều này vì công luận và dư luận rất lớn đòi hỏi phải làm nghiêm túc. Các thủy điện lớn, quyền thẩm định thuộc Bộ TN-MT, do vậy phải đánh giá đầy đủ, mời các chuyên gia đầu ngành tham gia hội đồng. “Các nhà khoa học này sẽ không bao giờ “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” để đổi kinh tế lấy danh dự và uy tín xã hội”, ông Trung khẳng định.
Trong khi đó, TS. Tô Văn Trường lại cho rằng, nếu đứng trên quan điểm của các nhà bảo tồn đa dạng sinh học, căn cứ theo luật đa dạng sinh học thì rõ ràng cả 2 dự án đều vi phạm vào khu bảo tồn thuộc vườn Quốc gia Cát Tiên. Toàn bộ quá trình từ giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và vận hành đều gây tác động vĩnh viễn đến việc mất tổng số gần 300 ha đất rừng trong đó 25 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt và 77 ha rừng phòng hộ.
Cũng theo đánh giá của báo cáo ĐTM, thì vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những khu vực hiếm hoi ở Đông Nam Bộ có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tế, và cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc những loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Cồng đồng khoa học đang hồi hộp chờ quyết định số phận của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Nguồn: Báo Đất Việt
Tư liệu liên quan: