Nếu chỉ một mình TPHCM tích cực xây dựng công nghiệp vi mạch qua “Chương trình vi mạch thành phố”, dù có thành công thì nó vẫn mang tính chất địa phương. Nhưng nếu các địa phương khác cùng tham gia và TPHCM với vai trò “hạt nhân” thì việc xây dựng công nghiệp vi mạch lại mang giá trị khác, lớn hơn nhiều. Và với những gì Đà Nẵng đã làm dù khá thận trọng song cho thấy, sự gắn kết trong phát triển công nghiệp vi mạch đang được mở ra.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng (phải), trao chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên thiết kế vi mạch.
Thành viên mới vào “sân chơi”
Đà Nẵng đã đưa Trung tâm Thiết kế vi mạch (CENTIC), trung tâm vi mạch công lập đầu tiên tại khu vực miền Trung đi vào hoạt động. Khác với TPHCM, CENTIC đặt tại Khu công viên phần mềm TP Đà Nẵng, là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở TT-TT của TP này với chức năng nghiên cứu, đào tạo và thiết kế trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Đây được xem như thành viên mới của “sân chơi” vi mạch.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, kiêm Giám đốc CENTIC, cho biết sự ra đời của CENTIC đánh dấu bước phát triển mới của TP Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghệ cao, tạo môi trường thu hút nhân lực trong lĩnh vực vi mạch điện tử ở khu vực và trong cả nước. CENTIC cũng là nơi thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch điện tử, cùng góp sức tạo ra những sản phẩm công nghiệp điện tử “made in Vietnam”.
Theo ông Sơn, đến thời điểm này, CENTIC đã đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất cũng như thu hút, đào tạo được một đội ngũ nhân lực cao, sẵn sàng cho ra những sản phẩm vi mạch đầu tiên mang thương hiệu Đà Nẵng.
Được biết, nhiệm vụ chủ yếu của CENTIC là nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ thiết kế vi mạch và các hệ thống nhúng nhằm triển khai công nghệ vi mạch vào ứng dụng cụ thể, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng các thiết bị thông tin liên lạc, điện tử gia dụng, dây chuyền sản xuất công nghiệp, có khả năng ứng dụng trong điều kiện Việt Nam. Đồng thời, trung tâm này cũng hợp tác chuyển giao kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng vào sản xuất và phục vụ đời sống; liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch.
Một trong những hoạt động không kém phần quan trọng của CENTIC là gắn kết với chương trình vi mạch của TPHCM. CENTIC không chỉ khai thác tài nguyên chung từ các đề án của TPHCM mà còn tham gia vào các chương trình vi mạch của TPHCM trong phát triển các nghiên cứu, ứng dụng và sẽ cùng TPHCM mở các cửa thị trường miền Trung.
Tận dụng nguồn tài trợ
Việc thành lập CENTIC là bước đi ban đầu và để củng cố thêm cho con đường vi mạch của TP này, Đà Nẵng đã bước tiếp theo bằng cách đào tạo nhân lực cho ngành mới này. Ban Quản lý tiểu dự án Phát triển CNTT-TT Đà Nẵng cùng Liên danh Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC - Đại học Quốc gia TPHCM) và Công ty cổ phần Người Đồng Hành vừa bế giảng khóa đào tạo “Thiết kế vi mạch” thuộc Dự án phát triển CNTT-TT tại TP Đà Nẵng.
Được biết, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch nêu trên chính thức khai giảng từ tháng 10-2013 với tổng thời lượng dạy và huấn luyện kỹ năng 640 giờ (gồm 440 tiết đào tạo và thời gian thực hiện 9 dự án thực hành), với sự tham gia của 10 giảng viên chính và trợ giảng. Tại lớp này, 24 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo sau thời gian học tập liên tục trong 80 ngày (2 buổi/ngày), cuối kỳ phải qua sát hạch, đã được trao chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo do chính Tập đoàn Vi mạch Synopsys và ICDREC cấp. Ở đây, cũng thấy rõ sự liên kết giữa TPHCM và Đà Nẵng, khi ICDREC chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo từ lý thuyết đến thực hành.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng BQL tiểu dự án Phát triển CNTT-TT tại TP Đà Nẵng khẳng định, đây là khóa đào tạo đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu quan trọng trên lộ trình phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch tại TP trung tâm của miền Trung.
Cũng thấy rằng, để có được kinh phí tổ chức khóa nhân lực đầu tiên cho ngành vi mạch tại Đà Nẵng (khoảng 1,7 tỷ đồng), lãnh đạo Sở TT-TT Đà Nẵng đã phải gõ cửa khắp nơi nhưng… không có. Song có thể do nhận thấy tầm quan trọng của chương trình này nên Ngân hàng Thế giới đã chấp nhận tài trợ. Điều này cũng dễ hiểu, 24 học viên tốt nghiệp khóa thiết kế vi mạch lần này, đã trở thành hạt nhân, sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch tại TP Đà Nẵng, tạo ra những bước phát triển mới trong thời gian không xa như kỳ vọng đề ra.
Nhìn những gì Đà Nẵng đang làm với ngành vi mạch, nếu nói đến thành quả thì có thể quá sớm, nhưng với mục tiêu và cách làm của TP miền Trung này cho thấy họ chọn hướng đi riêng, tận dụng từ những nguồn tài trợ lớn hay như CENTIC đang hướng đến phương thức hợp doanh trong hoạt động tại trung tâm này. Cho nên, trông chờ những địa phương khác “chuyển mình” với vi mạch cũng là điều nên kỳ vọng. Có lẽ TPHCM cũng mong muốn sự liên kết nhiều hơn và khi đó Chương trình vi mạch TPHCM còn tạo thêm sức bật lớn hơn.
Nguồn: SGGP