SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghệ thông tin – viễn thông TP. HCM năm 2013: nhiều thành công đáng kể

Nhân dịp gặp gỡ đầu năm 2014 ngành công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-VT), Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đã công bố 7 sự kiện được bình chọn là sự kiện nổi bật ngành CNTT-VT năm 2013. Đây là những thành công đáng kể, có tác động tích cực đến sự phát triển của thành phố.

1. ISO điện tử
Đây là cách làm mới kết hợp giữa công cụ ISO và CNTT phục vụ cải cách hành chính. Mô hình này ứng dụng trên nền điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu thành phố (thuộc Công viên phần mềm Quang Trung), hướng đến việc liên thông kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở ban ngành quận huyện, cung cấp thông tin cho lãnh đạo thành phố các cấp phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Từ năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Tư pháp triển khai diện rộng ISO điện tử tại 24 quận huyện và sở ban ngành trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, lao động thương binh xã hội và quản lý đô thị.
Đến nay, đã triển khai thống nhất quy trình ISO điện tử của 22 quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh tại 24 quận huyện gồm các lĩnh vực khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; thành lập và phát triển hộ kinh doanh các thể; phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ địa phương. Năm 2014 sẽ đưa vào vận hành ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2000 tại 24 quận huyện (ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh; lao động, tiền lương, tiền công; quản lý đô thị; hành chính tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo) và nhân rộng mô hình dịch vụ hành chính công phục vụ người dân tại nhà.

2. Dịch vụ đăng ký kinh doanh tại nhà
Đây là cách làm mới kết hợp giữa ISO điện tử và dịch vụ bưu điện với sự tham gia của Sở Kế hoạch đầu tư và Bưu điện thành phố. Dịch vụ này hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tại TP. HCM thực hiện soạn thảo hồ sơ đăng doanh nghiệp mà không cần đến trụ sở của cơ quan đăng ký kinh doanh. Mới triển khai được khoảng 2 tháng, đến nay đã có 358 hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng thành công.
 

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà tham gia nhấn nút khai trương dịch vụ đăng ký kinh doanh tại nhà. Ảnh: LV.
 
Năm 2014, đăng ký doanh nghiệp tại nhà được xác định là một chương trình ứng dụng CNTT trọng điểm. Chương trình này hướng đến phục vụ tốt việc cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp cho 4 loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Qua đó tăng cường các tiện ích cho doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký doanh nghiệp và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký. Đây là bước đột phá trong việc ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính tại TP. HCM. 

3. Triển khai chương trình vi mạch điện tử
Năm 2013, thành phố triển khai 5 đề án thuộc chương trình vi mạch với kinh phí dự trù 48 tỷ đồng. Trong đó tập trung xây dựng Trung tâm thiết kế (Design House), đào tạo nhân lực trình độ cao, xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm vi mạch Việt Nam; thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm có tính đột phá ứng dụng thành tựu nghiên cứu vi mạch trong nước như sản xuất thiết bị giám sát hành trình cho phương tiện giao thông, thiết bị đo đạc điện năng…

4. Doanh nghiệp điện tử
Năm 2013, Sở TT&TT tiến hành xây dựng đề án ứng dụng CNTT phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Trên cơ sở đó xây dựng khung kiến trúc tổng thể, mô hình khung ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp và phối hợp với Sở KH&CN xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp. Mô hình tổng thể đầu tiên về triển khai ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp nhà nước nhằm hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch của các doanh nghiệp, từ đó lãnh đạo thành phố có thể cập nhật thông tin hoạt động của doanh nghiệp một cách chính xác để đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp.

5. An toàn an ninh mạng
Ngày 7/12/2013, buổi diễn tập ứng cứu hệ thống thông tin trong 2 tình huống giả định bị tấn công đã diễn ra tại Công viên phần mềm Quang Trung với sự chỉ đạo của UBND TP. HCM và sự tham gia của VNISA phía Nam và Cục CNTT (Bộ Quốc phòng). Hai kịch bản giống với thực tế đã được mô phỏng là phòng chống tấn công làm tê liệt hệ thống (DDOS) và phòng chống tấn công phần mềm gián điệp. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn về chống tấn công hệ thống thông tin đầu tiên tại TP. HCM và trên cả nước.

6. Bước đầu triển khai chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung 2
Sở TT&TT hợp tác với VNPT đề xuất UBND TP. HCM, Bộ TT&TT phát triển khu C30 thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung 2; hợp tác với Sở TT&TT Nam Định, Lâm Đồng xây dựng chuỗi công viên phần mềm Quang Trung.

7. Triển khai vận hành hệ thống tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị
Với sự chỉ đạo của UBND TP. HCM, Sở TT&TT TP. HCM phối hợp với các đơn vị có liên quan đã hoàn tất thiết lập hệ thống tổng đài sự cố liên quan đến hạ tầng kỹ thuật đô thị với duy nhất một số điện thoại 08-39.111.333. Từ ngày 2/4/2013 đường dây nóng này được chính thức vận hành 24/7 để tiếp nhận mọi thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng công cộng, cây xanh, điện, viễn thông… Đây là tổng đài sự cố đầu tiên trong cả nước liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, tính đến 30/12/2013 đã tiếp nhận 7238 cuộc gọi (hơn 800 cuộc/tháng), trong đó đã hoàn tất xử lý 7017 cuộc gọi (chiếm 94,95%).
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả